80.000 tỷ đồng đủ để đưa nợ xấu ngân hàng xuống 3%?
Đăng ngày: 03/09/2015Theo quyết định của NHNN, Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) được phát hành tối đa 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt trong năm 2015.
Ngoài bán nợ cho VAMC, các TCTD đang tích cực tự xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro
Song chừng đó liệu đã đủ để đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm theo chỉ đạo của Chính phủ khi mà nợ xấu dự kiến sẽ tăng nhanh sau khi Thông tư 02 và Thông tư 09 của NHNN có hiệu lực từ tháng 4 tới?
Lo nợ xấu tăng nhanh trở lại
Theo số liệu gần nhất được công bố của NHNN, tính đến cuối tháng 10/2014, tổng nợ xấu theo báo cáo của các TCTD là khoảng 167.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3,8% tổng dư nợ. Tuy nhiên, nợ xấu theo kết quả phân loại dựa trên thông tin tín dụng của CIC là 5,3%, cao hơn khá nhiều so với mục tiêu 3% mà hệ thống ngân hàng phải đạt được vào cuối năm 2015 theo yêu cầu của Chính phủ.
Song điều khiến giới chuyên môn lo ngại hơn cả là nợ xấu có thể tăng nhanh trở lại khi quy định về việc gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 09/2014/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức hết hiệu lực từ 1/4/2015.
Thực tế, việc cho phép các TCTD được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như hiện nay đã giúp kìm hãm đáng kể tốc độ gia tăng nợ xấu trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Nay, quy định này hết hiệu lực, cũng đồng nghĩa nợ xấu có thể tăng cao hơn khi nền kinh tế chưa hết khó, số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng.
“Các ngân hàng phải đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu ngay từ đầu năm. Đặc biệt, từ tháng 4 tới, việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cũng chính thức được dỡ bỏ. Các TCTD phải dần quay trở về đánh giá, phản ánh đúng thực chất, chất lượng từng khoản nợ”, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết.
Hối hả xử lý
Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu thường diễn ra khá chậm trong những tháng đầu năm. 6 tháng đầu năm 2014, trao đổi với ĐTCK khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, Công ty mới chỉ mua được 14.857 tỷ đồng nợ xấu trong khi kế hoạch đặt ra là 70.000 - 100.000 tỷ đồng.
Còn theo vị tổng giám đốc ngân hàng TMCP trên, các chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và bán nợ xấu thường các ngân hàng không triển khai mạnh trong giai đoạn đầu năm bởi còn lo thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, với mục tiêu đưa nợ xấu toàn hệ thống về dưới 3% vào cuối năm 2015, tình hình chậm trễ như năm ngoái sẽ không có cơ hội lặp lại trong 6 tháng đầu năm 2015.
Đặc biệt, ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN yêu cầu các ngân hàng phải đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, đảm bảo đến ngày 30/6/2015 xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015; nợ xấu bán cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015, nhằm mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm.
Để chuẩn bị tốt cho việc xử lý nợ xấu, cuối tuần trước, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định cho phép VAMC được phát hành tối đa 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua lại nợ xấu của các TCTD. Thời điểm phát hành trái phiếu đặc biệt từ 1/1/2015 đến 31/12/2015; thời hạn trái phiếu đặc biệt tối đa là 5 năm.
Đây là một con số không nhỏ, “80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt là giá gốc, còn giá mua có thể lên tới 100.000 tỷ đồng và VAMC sẽ đẩy mạnh mua nợ xấu ngay từ đầu năm”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Như vậy, lượng nợ xấu mà VAMC dự kiến mua vào trong năm nay cũng tương đương lượng nợ xấu mà tổ chức này đã mua vào trong năm 2014. Trong năm 2014, VAMC đã duyệt mua khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu gốc với giá mua khoảng hơn 70.000 tỷ đồng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn