An Giang tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ - ngân hàng
Đăng ngày: 29/4/13Ngày 17/4/2013, tại tỉnh An Giang đã diễn ra Hội nghị "Triển khai các giải pháp tiền tệ -ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh".
Hội nghị do Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Binh, ông Phạm Văn Sáu- Bí thư Tỉnh ủy An Giang và ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch tịch UBND đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các NHTM và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang cho biết, đến quý I năm 2013 huy động tại chỗ đạt 22.005 tỷ đồng, so với 31/12/2012 giảm 4,8%. Trong đó, huy động bằng VND chiếm 96,9%, huy động bằng ngoại tệ chiếm 3,02% trên tổng nguồn vốn.
Tổng dư nợ ngân hàng trên địa bàn tỉnh là 37.583 tỷ đồng, so với 31/12/2012 tăng 4,18%. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 71,7%, dư nợ trung, dài hạn chiếm 28,2%. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 10/3/2013 tăng 4,18% so với 31/12/2012…Hoạt động tín dụng tập trung phục vụ cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển vốn đầu tư vào lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, thuỷ sản, thương mại, dịch vụ, du lịch, kinh tế biên giới... đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu theo các chương trình mục tiêu kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Trong thời gian tới, các TCTD trên địa bàn tiếp tục điều chỉnh cơ cấu đầu tư, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn phục vụ phát triển kinh tế địa phương, nhất là đáp ứng nhu cầu vốn chi phí sản xuất - kinh doanh của khu vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, DNNVV. Cụ thể, tiếp tục tập trung vốn cho vay: Vật tư, nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản; chi phí sản xuất và thu mua lương thực xuất khẩu vụ Đông Xuân năm 2012 - 2013; cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến nông, thuỷ sản xuất khẩu năm 2013; Đáp ứng đủ vốn cho vay hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các đơn vị kinh doanh hàng xuất khẩu, các phương án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, các DNNVV; Đáp ứng đủ nhu cầu vốn đầu tư vào một số lĩnh vực kinh tế khác phù hợp với chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các chương trình kinh tế của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp phản ánh về nhu cầu vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thuận lợi hơn. Ông Lưu Hải, Giám đốc công ty Thủy Sản Việt An cho biết, thời gian qua lãi suất cho vay đã hạ nhanh là điều kiện tốt để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Doanh nghiệp của ông cũng được đáp ứng đầy đủ về vốn vay cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, DN cũng mong muốn hiện có nhiều chương trình ưu đãi và hỗ trợ vốn cho DN nên cần sớm có các hướng dẫn cụ thể để DN có điều kiện được hưởng các nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất cần tiếp tục được đẩy nhanh hơn.
Đại diện công ty xuất nhập khẩu An Giang cho biết, thời gian qua dù có nhiều khó khăn nhưng DN vẫn được các ngân hàng cho vay vốn đầy đủ. Khi lãi suất có điều chỉnh, ngân hàng cũng điều chỉnh hạ cho DN. Trong thời gian tới, hoạt động kinh doanh nhất là trên lĩnh vực xuất khẩu cá tra vẫn còn khó khăn do có nhiều yếu tố bất lợi vì thế cần tiếp tục hỗ trợ DN thông qua việc giảm lãi suất về 8 -10%.
Theo ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, thời gian qua Vietcombank cam kết tiếp tục đồng hành với DN và bà con nông dân. Tuy nhiên, ông Thanh cho biết đây là giai đoạn có nhiều khó khăn cho cả con cá và cây lúa, đã xuất hiện những yếu tố bất lợi cho sản xuất kinh doanh nên DN và nông dân cần tính toán kỹ khi vay vốn và sử dụng đồng vốn hiệu quta. Về phía ngân hàng sẽ xem xét kỹ các phương án sản xuất kinh doanh, cùng người vay vốn tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thời gian tới, việc sản xuất- kinh doanh thay đổi thì cơ cấu tín dụng cũng sẽ thay đổi để thúc đẩy sản xuất hiệu quả, quy mô và tăng cường tính liên kết giữa DN, nông dân và ngân hàng
Ông Vương Bình Thạnh- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh: "Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đã cùng DN tháo gỡ, chia sẻ khó khăn, tái cơ cấu sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Địa phương đã phối hợp với ngân hàng tháo gỡ nhiều khó khăn. Qua Hội nghị này, các ngân hàng cần tiếp tục chi tiết, cụ thể hóa Nghị quyết 02 của Chính phủ để hỗ trợ cho DN, phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh thời hạn cho vay đối với sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn phù hợp hơn".
Trả lời về đề xuất của các doanh nghiệp và địa phương, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay lãi suất huy động VND là 7,5%/năm. Mục tiêu kiềm chế lạm phát của Quốc hội là khoảng 8%, mục tiêu này có nhiều cơ hội khả thi, nhưng thực tế từ nay đến cuối năm còn nhiều biến động, nếu điều hành giá không tốt là lạm phát sẽ tăng ngay. Vì thế, dư địa giảm lãi suất huy động không còn nhiều và khó khăn. Hiện nay, ngành Ngân hàng đang tập trung giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng đang giảm lãi suất cho vay về mức 13%, nếu khách hàng tốt còn được ưu đãi hơn nữa, thậm chí có thể cho vay hòa vốn để giữ khách.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng lưu ý, thực tế thời gian qua có những năm tín dụng tăng 30 - 50% nhưng tăng trưởng GDP chỉ ở mức 7 - 8%. Năm 2011 tín dụng tăng 14% nhưng kinh tế vẫn tăng 6%, năm 2012 tín dụng tăng 9,6% nhưng tăng trưởng GDP là 5,03% chứng tỏ hiệu quả tín dụng đang tăng lên. Từ thực tế đó để thấy, vấn đề quan trọng nhất nâng cao hiệu quả tín dụng. Trong nông nghiệp, nông thôn cũng vậy, ngân hàng đảm bảo vốn cho nông nghiệp, nông thôn không thiếu nhưng cần đúng người, đúng việc, đúng nhu cầu, sử dụng đảm bảo hiệu quả.
Từ Khóa: TH, Ngân Hàng, NH, Doanh Nghiệp, DN, Nông Thôn, Thực Tế,