Đến chiều nay ngày 21-12, tỷ giá niêm yết tại quầy của các ngân hàng thương mại đã giảm 10 đồng so với sáng nay, xuống còn 22.790-22.810 đồng/đô la Mỹ (chiều bán ra) và 22.690-22.720 đồng/đô la Mỹ (chiều mua vào).
Trong đó, tại một số ngân hàng như Eximbank, DongABank, tỷ giá niêm yết lần lượt ở mức 22.800 đồng/đô la Mỹ và 22.810 đồng/đô la Mỹ - chỉ cách 9 đồng so với mức tỷ giá trần mà NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được áp dụng.
Tỷ giá trung tâm được NHNN công bố áp dụng cho ngày hôm nay, 21-12, tiếp tục lên mức 22.154 đồng/đô la Mỹ, tăng 6 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng trong ngày hôm nay là 22.819 đồng/đô la Mỹ và tỷ giá sàn là 21.489 đồng/đô la Mỹ.
Trên thị trường tự do, giá đô la Mỹ được một số điểm thu đổi ngoại tệ chào bán ra ở mức 23.400 đồng đổi được một đô la Mỹ và chào mua ở mức một đô la Mỹ đổi được 23.350 đồng.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index (DXY - chỉ số đo lường giá trị đồng đô la Mỹ với sáu đồng tiền chủ chốt khác gồm euro, yen Nhật, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sĩ) hôm 21-12 giảm 0,2%, nằm ở mức 103,14 sau khi lên mức 103,65 vào ngày hôm qua - mức cao nhất kể từ tháng 12-2002.
Theo trưởng phòng kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng ở TPHCM, nhìn chung vào thời điểm cuối năm, nhu cầu ngoại tệ luôn tăng cao, và một vài ngân hàng hiện có trạng thái ngoại tệ âm nhẹ nhưng thanh khoản ngoại tệ trên thị trường vẫn đảm bảo. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, dự trữ ngoại hối đã đạt mức cao, nên NHNN vẫn có nguồn lực để bán ra ngoại tệ bình ổn thị trường, do đó tỷ giá khó có thể tăng đột biến.
Tuy nhiên, vị này cho rằng, có một số yếu tố sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Trong đó, chính sách của ông Donald Trump – người vừa đắc cử tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng đến lượng kiều hối về Việt Nam cũng như kim ngạch xuất khẩu khi Mỹ hiện là thị trường chính của nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Trước đó, hôm 15-12, theo ông Ngô Đăng Khoa, Trưởng phòng Kinh doanh ngoại hối và trái phiếu, HSBC Việt Nam, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất từ 0,25-0,5% lên 0,5-0,75% sẽ khiến chi phí lãi vay tăng lên, nguồn vốn nóng sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển và chảy ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất mới cao hơn và các đồng tiền của các thị trường đang phát triển sẽ chịu rất nhiều áp lực về phá giá.
Trong đó, đồng Việt Nam không phải là ngoại lệ khị chịu áp lực của việc các đồng tiền trong khu vực mất giá. Ngoài ra, cán cân thương mại đã quay trở lại trạng thái nhập siêu trong hai tháng gần đây với tổng mức nhập siêu khoảng 700 triệu đô la Mỹ cũng tạo áp lực lên tỷ giá.
Theo ông Khoa, tâm lý thị trường hiện khá thận trọng sau khi Fed tăng lãi suất và thanh khoản thị trường ở mức trung bình. Trong bối cảnh này, lãi suất tiền đồng phải được giữ ở mức thích hợp để đảm bảo sự hấp dẫn của đồng nội tệ. Lãi suất đồng đô la Mỹ tăng, chính sách thương mại của Mỹ còn là dấu hỏi sẽ tạo ra sự bất ổn trên thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có biện pháp thích hợp để phòng chống rủi ro.
Trong bối cảnh hiện nay, cam kết hỗ trợ thanh khoản cho thị trường của NHNN có tính chất quyết định để giữ cho thị trường bình ổn. Hiện tại NHNN đang theo sát những diễn biến của thị trường và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết, do đó ông Khoa cho biết không kỳ vọng khả năng biến động mạnh của tỷ giá trong thời gian sắp tới.
Theo thesaigontimes.vn