Cẩn trọng tín dụng khởi sắc
Đăng ngày: 12/07/2015Còn 1 tháng nữa kết thúc năm 2015 nhưng tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM đã đạt chỉ tiêu đề ra, đồng thời trong báo cáo tài chính 9 tháng cũng cho thấy nhiều NH đã tăng trưởng tín dụng vượt bậc. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đáng mừng này vẫn còn nhiều yếu tố chưa bền vững.
Bứt phá
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố mới đây, cho biết tính đến giữa tháng 11, tổng tín dụng đối với nền kinh tế tăng 13,98% so với cuối năm 2014, đạt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Trước mức tăng trưởng khả quan những tháng vừa qua, NHNN dự kiến năm 2015 tăng trưởng tín dụng có thể đạt 16-17%. Song song đó, báo cáo tài chính 9 tháng của các NHTM cho thấy dù mới qua 3/4 chặng đường của năm 2015 nhưng tăng trưởng tín dụng đã bứt phá mạnh mẽ so với năm 2014. Chẳng hạn VPBank đạt mức tăng trưởng 36% so với đầu năm, LienVietPostBank 32,3%, BIDV 23,4%, SHB 17,7%, VIB 16,2%, NCB và Techcombank trên 16%, Sacombank 13,9%, VietinBank 13,6%... Mức tăng trưởng tín dụng của một số NHTM còn vượt khung cho phép dù NHNN đã ban hành văn bản chấp thuận cho 18 NHTM được nới room tín dụng. Cụ thể, LienVietPostBank đã tăng trưởng vượt mức 30% (đã được NHNN chấp thuận điều chỉnh), VPBank tăng trưởng tín dụng gần 37%, gấp đôi chỉ tiêu 18% được điều chỉnh.
Đà tăng trưởng tín dụng cũng kích thích lãi suất tiền gửi tăng nhẹ từ tháng 9 đến nay. Cụ thể trong tháng 10, VietCapitalBank đã 2 lần điều chỉnh lãi suất huy động, lần đầu tăng 0,2%/năm ở các kỳ hạn 3 và 4 tháng, lần 2 tăng 0,2%/năm ở các kỳ hạng 7 đến 11 tháng. OCB điều chỉnh tăng 0,2% ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Bên cạnh đó, lãi suất của các NHTM có mức tăng trưởng tín dụng cao như Techcombank, Sacombank, LienVietPostBank cũng được điều chỉnh tăng. Thậm chí để cạnh tranh huy động vốn DongABank đã nâng lãi suất huy động lên 7%/năm ở kỳ hạn 12 tháng và 7,2%/năm ở kỳ hạn từ 18 tháng trở lên. Gần đây nhất, VietinBank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động 0,2-0,5% ở các kỳ hạn ngắn. Động thái tăng lãi suất cho thấy các NHTM đang cạnh tranh để hút tiền gửi khi tín dụng khởi sắc.
Nhiều lo ngại
So với diễn biến tăng trưởng tín dụng trong 2 năm 2013-2014, đây là tín hiệu mừng vì nguồn vốn đã chảy ra nền kinh tế. Tuy nhiên, xét kỹ tăng trưởng tín dụng năm 2015 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa bền vững. Theo thống kê của NHNN, tính đến tháng 10-2015 tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của các NHTM nhà nước đạt 97,95% và các NHTM đạt 79,29%. Trong khi đó, Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định NHTM nhà nước, chi nhánh NH nước ngoài phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi 90%; NH hợp tác xã, NHTMCP, NH liên doanh, NH 100% vốn nước ngoài 80%. Như vậy, nhóm NHTM nhà nước đã vượt khung cho phép, trong khi nhóm NHTMCP cũng sắp cán mức quy định. Đồng thời, Thông tư 36 đã nới tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 30% lên 60%, nhưng thống kê đến tháng 10 tỷ lệ vốn vay này của NHTM nhà nước đạt 29,70% và NHTMCP đạt 35,84%. Điều này cho thấy vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn không tăng mạnh, dù trước đó nhiều NH khẳng định tiền gửi ngắn hạn chiếm 75-80%, trong khi tiền gửi dài hạn chỉ 15-20%. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ khiến NH phải đối mặt với thách thức huy động tiền gửi, dẫn đến việc NH phải tăng lãi suất huy động để cạnh tranh vốn. Điều này dấy lên lo ngại lãi suất cho vay có thể sẽ tăng. Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC) dự báo năm 2016, lãi suất huy động và cho vay bình quân sẽ tăng 0,5%.
Trong văn bản chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 một số NHTMCP và chi nhánh NH nước ngoài, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình yêu cầu mở rộng tín dụng gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng phù hợp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, giám sát chặt chẽ cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài… Tuy nhiên, thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết đến nay chỉ khoảng 30% trong số 450.000 DNNVV tiếp cận được tín dụng NH. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), cho biết Việt Nam là 1 trong 30 nền kinh tế có khả năng tiếp cận tài chính tốt nhất, song hiện nay nhiều DN vẫn đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Theo phản ánh của các DN, cho đến thời điểm này vốn chảy vào sản xuất kinh doanh vẫn rất hạn chế vì DN chưa đáp ứng được yêu cầu lẫn lòng tin của NH, nhất là về tài sản thế chấp.
|
Ảnh minh họa: LONG THANH |
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, cho vay bất động sản và vay tiêu dùng tăng trưởng rất nhanh với mức gần 16% trong 8 tháng. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo năm 2015 tín dụng cho bất động sản có thể đạt 18-20%, cao hơn mức trung bình 14-15% cho giai đoạn 2012-2014. Đến thời điểm này, tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản chiếm khoảng 8% trong tổng dư nợ và vay tiêu dùng chiếm khoảng 8,2%. Tăng trưởng tín dụng nóng lên ở lĩnh vực bất động sản đã được nhiều chuyên gia lưu ý và cảnh báo tránh đi vào vết xe đổ của năm 2009. Tuy nhiên, các NH cho rằng vấn đề này không đáng lo và khảo sát trên thị trường hiện nay, các NH vẫn đang ráo riết chạy đua với hàng loạt gói tín dụng ưu đãi bất động sản, ưu đãi mua các dự án cụ thể với sự hỗ trợ cao từ NH. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các NH đang đối mặt với nhiều áp lực và luôn nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh để đạt lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên những hậu quả để lại sau thời gian tăng trưởng nóng nhưng thiếu bền vững của những năm trước đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy các chuyên gia cho rằng các NHTM nên thận trọng để dòng vốn chảy ra thị trường đảm bảo an toàn và hiệu quả hơn.