Chứng khoán ngày 2/11: “Tội đồ” blue-chip
Đăng ngày: 02/11/2010Nhóm cổ phiếu lớn giảm điểm đã tác động mạnh lên VN-Index hôm nay khi khối ngoại giảm mua vào
VN-Index sụt gần 1 điểm lúc đóng cửa so với thời điểm kết thúc đợt hai do ảnh hưởng của một số cổ phiếu lớn. Thị trường phiên này đã rời xa ngưỡng kháng cự ngắn hạn 450 điểm và hướng đến khả năng kiểm tra lại mức hỗ trợ trung hạn 440 điểm.
Điều lo ngại đã thành hiện thực khi lực mua của nhà đầu tư nước ngoài hôm nay không còn đủ lực giữ giá một số cổ phiếu lớn thêm nữa.
BVH được khối ngoại mua vào khoảng 58% khối lượng giao dịch, giảm khá mạnh so với hai phiên liền trước. DPM chỉ được đỡ 72%; HAG: 76%.. Một số mã khác như PVF, PVD, SSI cầu từ khối ngoại đều rất đuối.
BVH giảm 500 đồng/cổ phiếu lúc đóng cửa so với chốt phiên 2 và giảm chung cuộc 2.000 đồng/cổ phiếu. FPT giảm 1.500 đồng/cổ phiếu; KBC giảm 400 đồng và chung cuộc giảm 700 đồng; MSN giảm 500 đồng; SJS giảm 1.500 đồng…
Trong hai mã chủ chốt là BVH và DPM, sự đổi vai khá tương đồng những phiên gần đây. BVH hôm nay tạo tín hiệu xấu về kỹ thuật khi rời xa ngưỡng kháng cự 64.500 đồng với thanh khoản thấp – thể hiện lực bán không mạnh. Đúng hơn hôm nay BVH thể hiện sự thiếu cầu.
DPM nỗ lực thử lại kháng cự tại mức 36.000 đồng/cổ phiếu lần thứ hai, khối lượng tăng khá tốt. Mặc dù được đẩy giá lên từ mức thấp nhưng sự đuối sức cuối ngày thể hiện cung tiếp tục lớn.
Câu chuyện mua mạnh của khối ngoại tiếp tục là ẩn số. BVH là ví dụ rõ nhất trong hơn hai tuần qua. Một tỉ trọng rất lớn khối lượng kẹt tại đỉnh là của nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn lực của khối này hạ nhiệt đáng kể hôm nay nhưng chưa hẳn đã “buông”. Những cổ phiếu lớn, quan trọng đều gặp kháng cự mạnh có thể tác động ngược tới chỉ số nếu dấu hiệu yếu đi của cầu ngoại trở nên rõ ràng.
Ngoài các giao dịch của nhóm blue-chip, hầu hết diễn biến trong phiên hôm nay không có gì đáng chú ý. Dòng vốn đầu cơ vẫn đứng ngoài thị trường trong bối cảnh thanh khoản yếu. Khoảng 29% khối lượng khớp lệnh tăng lên hôm nay một phần là do bên bán chấp nhận cắt lỗ giá thấp đầu phiên. Sóng giảm đầu tiên kéo dài chẵn 45 phút đầu đợt hai với giá trị xấp xỉ 204 tỷ đồng. VN-Index chạm đáy thấp nhất 445,6 điểm.
Lực mua vào đẩy giá lên kế tiếp tỏ ra yếu. Chỉ số phục hồi nhẹ hơn 2 điểm nhưng khối lượng thấp. Dấu hiệu “cover” lại hàng vẫn có nhưng thực sự dè dặt. Điều đáng ngại nhất lúc này là chỉ số đang dấu dần đi trên phương diện kỹ thuật khi có xu hướng rơi trở lại mức 440 điểm.
Trong bối cảnh đó, khó có thể khuyến khích người mua giải ngân mạnh hơn chứ chưa nói đến mua vào giá cao. Trong khi đó khối ngoại chỉ cần giảm cầu một chút chỉ số đã có biến động bất lợi một cách rõ rệt. Tỉ trọng mua vào của khối này hôm nay chỉ còn chiếm 13,5% khối lượng khớp lệnh sàn HOSE. Cũng nên nhớ rằng mới 3 phiên trước, tỉ trọng vẫn còn được duy trì trên 18% mỗi phiên. Tỉ trọng giá trị vốn mua vào cũng từ mức bình quân 27% của 4 phiên trước giảm xuống còn 20%.
Khoảng giữa tháng 10, chỉ số đã từng 3 lần thử mức hỗ trợ 440 điểm trong phiên và thành công. Trên góc độ kỹ thuật, 440 điểm được xem là một ngưỡng hỗ trợ khá mạnh và nhiều nhà kỹ thuật lẫn Công ty chứng khoán lấy làm điểm cắt lỗ.
Thị trường rất có thể sẽ làm một bài kiểm tra lực cung tại đây - điều chưa xảy ra trong tháng 10. Cũng giống như khả năng tạo điểm đột phá (break-out) “giả” vượt khỏi mức kháng cự để kiểm tra cầu, VN-Index có thể rớt xuống dưới mức hỗ trợ để kiểm tra cung.
Khi ngưỡng hỗ trợ 440 điểm tạo dấu ấn trong chiến lược của người cầm cổ, phản ứng của họ khi VN-Index xuyên thủng mức hỗ trợ sẽ cho biết tâm lý sợ hãi đến mức nào. Mặt khác, lực mua rất có thể sẽ tăng lên khi thị trường giảm về mức này. Với “nền tảng” nhiều lần đứng vững trong suốt 2 tháng qua, chưa thể nói mức 440 điểm sẽ bị phá vỡ một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, ẩn số lại là nhóm cổ phiếu lớn. Nếu trong 2 tháng qua VN-Index tạo một kênh dao động đi ngang thì động lực chính là blue-chip. BVH, DPM, HAG, PVF đang có khả năng giảm nhiều hơn là phá vỡ kháng cự để tăng tiếp. Một số “trụ” khác như VSH, VIC, SJS có thể “thế vai” để nâng đỡ Index hay không vẫn là dấu hỏi.
Vneconomy