Chứng khoán toàn cầu giảm mạnh
Đăng ngày: 23/2/11Đêm qua, rạng sáng nay (23.2, giờ VN), các thị trường chứng khoán khắp từ Á, Âu sang Mỹ đều khép lại phiên giao dịch với sự tụt giảm khá mạnh của các chỉ số.
Tổng kết phiên 22.2 trên sàn chứng khoán New York (Mỹ), chỉ số S&P 500 giảm 2,1%, xuống còn 1.315,44 điểm, là phiên giảm mạnh nhất kể từ 11.8.2010. Chỉ số Dow Jones Industrial cũng để mất tới 178,46 điểm, tương đương mức giảm 1,4% so với cuối tuần trước, chốt phiên ở mức 12.212,79 điểm.
Cùng với đó, một số công ty, doanh nghiệp Mỹ công bố kết quả kinh doanh không được khả quan như mong đợi càng gây thêm áp lực giảm điểm lên thị trường. Tập đoàn bán lẻ Wal-Mart cho biết doanh số bán hàng của hãng trong quý 4/2010 đã giảm và là quý giảm thứ 7 liên tiếp. Cổ phiếu của hãng này đã giảm 3,1% sau thông tin trên.
Trong phiên này, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng - tài chính giảm mạnh thứ 2 trong số 10 nhóm ngành đóng góp vào S&P 500, giảm tới 3,1% do các nhà đầu tư lo ngại hoạt động ngân hàng có thể gặp rủi ro cao trong tình hình hiện nay. Chỉ số KBW Bank với sự đóng góp tên tuổi của 24 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, giảm tới 3,5% trong phiên này.
Duy chỉ có các cổ phiếu năng lượng được lợi trong tình hình hiện nay. Lo ngại bất ổn chính trị tác động làm gián đoạn nguồn cung dầu thô, giá dầu tại New York tăng tới hơn 8%, từ đó gián tiếp tác động để cổ phiếu của các công ty năng lượng tăng mạnh. Có thể kể như cổ phiếu của Exxon Mobil tăng 1,1%; cổ phiếu Chevron tăng 1,6%. Chỉ số S&P 500 Energy đã tăng tới 13% so với cuối tuần trước.
Tại châu Âu, thị trường chứng khoán tiếp nối phiên giảm điểm đầu tuần. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực giảm 0,6% trong phiên 22.2. Ghi nhận trong 3 phiên liên tiếp gần đây, chỉ số này đã có mức giảm mạnh nhất kể từ hồi tháng 11 năm ngoái. Cũng trong tuần trước, STXE 600 đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 8.2008.
Cổ phiếu của các ngân hàng, các công ty hàng không và vận tải tại châu Âu mất giá nhiều nhất trong phiên này do chịu tác động của giá dầu, nhiên liệu leo thang và rủi ro từ xung đột chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi.
Tổng kết phiên 22.2, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm nhẹ 0,3%, xuống còn 5.996,76 điểm; CAC 40 của Pháp giảm 1,15%, chốt phiên ở mức 4.050,27 điểm; DAX của Đức giảm nhẹ 0,05%, xuống còn 7.318,35 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 1%; chỉ số ISEQ của Ireland giảm 1,12%.
Tại châu Á, cổ phiếu của các ngân hàng và các công ty bảo hiểm dẫn đầu nhóm giảm trên toàn thị trường phiên này sau khi một vụ động đất kinh hoàng xảy ra tại New Zealand vào trưa qua (22.2, giờ VN). Các nhà đầu tư lo ngại hai nhóm ngành này sẽ phải chịu hệ quả nặng nề nhất từ những thiệt hại của vụ động đất. Ngay cả cổ phiếu của các ngân hàng Úc tại New Zealand cũng bị bán ra khá nhiều trong phiên 22.2 (kết thúc chiều cùng ngày, giờ VN).
Cùng với đó, một thông tin xấu khác được công bố là hãng xếp hạng mức tín nhiệm Moody’s (Mỹ) đã công bố hạ mức tín nhiệm của Nhật Bản từ “ổn định” xuống “tiêu cực” do chính phủ nước này chưa mạnh tay trong việc giải quyết nợ công.
Tổng kết phiên, chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 1,9% trong phiên này, là phiên giảm mạnh nhất kể từ 20.1.2011. Hồi tuần trước, chỉ số này đã tăng tới 3%, tăng mạnh nhất kể từ 3.12.2010.
Tổng kết trên các thị trường chứng khoán cấp quốc gia: Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 192,83 điểm, tương đương giảm 1,78%, xuống còn 10.664,7 điểm; HSI của Hồng Kông để mất tới 494,61 điểm, tương đương giảm 2,11% so với phiên đầu tuần, chốt phiên ở mức 22.990,81 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt giảm 2,62% và 2,9%; KOSPI của Hàn Quốc giảm 1,76%; S&P/ASX 200 của Úc giảm nhẹ 0,37%; Straits Times (Singapore) giảm 1,68%; chỉ số NZX All giảm nhẹ 0,55%.
Duy Trần
(Theo Bloomberg, Reuters)