Giá dầu tăng cao, chứng khoán giao dịch trầm lắng
Đăng ngày: 15/2/11Rạng sáng nay (15.2, giờ VN), giá dầu thô Brent tại London (Anh) đã tăng mạnh trở lại, vượt qua mốc 103 USD/thùng; dầu thô WTI tại New York (Mỹ) giảm nhẹ xuống dưới 85 USD/thùng. Trên thị trường chứng khoán, sắc đỏ xuất hiện khá nhiều trong phiên giao dịch đầu tuần.
Theo ghi nhận vào thời điểm chốt phiên 14.2, giá dầu thô giao kỳ hạn tháng 3 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) đã giảm 77 cent, tương đương giảm 0,9% so với phiên trước đó, chốt ở mức 84,81 USD/thùng.
Hiện giá dầu thô tại NYMEX cao hơn 14% so với cùng thời điểm năm ngoái. Giá dầu thô giao kỳ hạn tháng 4 bắt đầu “mở sàn” với mức chốt phiên 14.2 là 88,73 USD/thùng.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, giá dầu thô tại NYMEX liên tục giảm trong những phiên gần đây là do những bất ổn chính trị tại Ai Cập đã dịu đi rất nhiều, không còn đe dọa tới nguồn cung dầu thô từ Trung Đông ra thế giới. Đồng thời, nguồn dự trữ nhiên liệu tại Mỹ tăng cao cũng tác động phần nào khiến giá dầu giảm xuống.
Một nguyên nhân khác được cho là đã tác động khiến giá dầu thô tại New York giảm nhẹ là việc đồng USD tăng cao nhất trong vòng 3 tuần qua so với euro. Theo ghi nhận của Bloomberg, vào thời điểm 2 giờ 19 (ngày 15.2, giờ VN), tỷ giá trao đổi giữa USD và euro ở mức 1 EUR đổi 1,3482 USD.
Trong khi đó, giá dầu thô Brent tiếp tục lập đỉnh mới khi dầu thô giao kỳ hạn tháng 4 chốt phiên 14.2 ở mức 103,08 USD/thùng, tăng mạnh 2,14 USD/thùng, tương đương tăng 2,1% so với phiên cuối tuần trước.
Các hợp đồng giao hàng tháng 3 đã hết hạn từ phiên 11.2, với mức giá 101,43 USD/thùng.
* Trên thị trường chứng khoán, ngoài tín hiệu tích cực ở khu vực châu Á thì sắc đỏ chiếm tỉ lệ chủ đạo trên các bảng giao dịch điện tử phiên đầu tuần (kết thúc vào rạng sáng nay 15.2, giờ VN).
Sau tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 8.2010, chứng khoán châu Á đã có phiên khởi động tuần mới khá suôn sẻ khi kinh tế Nhật Bản cho thấy những tín hiệu lạc quan; khủng hoảng chính trị tại Ai Cập được xoa dịu cũng mang lại những tác động tích cực.
Chỉ số MSCI Asia Pacific tăng mạnh tới 1,5% trong phiên này, đây là phiên có mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12.2010. Tuần trước, chỉ số này đã giảm tới 2,7%.
Theo báo cáo của chính phủ Nhật Bản, tăng trưởng GDP của nước này trong quý 4.2010 đạt 1,1%, tuy thấp hơn mức tăng 3,3% của quý 3 nhưng lạc quan hơn hẳn mức dự đoán giảm 2% của các nhà phân tích đưa ra trước đó.
Tổng kết phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 119,89 điểm, tương đương tăng 1,13% so với phiên cuối tuần trước, chốt ở mức 10.725,54 điểm. HSI của Hồng Kông giành thêm 292,14 điểm, tăng 1,28% lên thành 23.121,06 điểm.
Ghi nhận trên các thị trường khác: Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt tăng mạnh 2,54% và 3,15% ngay trong phiên đầu tuần này; KOSPI của Hàn Quốc tăng 1,89%.
Tại châu Âu, tuy sắc đỏ xuất hiện khá nhiều nhưng nhìn chung chứng khoán khu vực này cũng có một phiên đầu tuần khởi sắc. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng 0,39%.
Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm nhẹ 0,05%, xuống còn 6.060,09 điểm; CAC 40 của Pháp giảm 0,11%, xuống còn 4.096,62 điểm; DAX của Đức nằm trong số ít tăng điểm với 0,34%, chốt phiên ở mức 7.396,63 điểm.
Mở cửa muộn nhất, Phố Wall (Mỹ) phần nào dung hòa được diễn biến của châu Á và châu Âu, các chỉ số tăng giảm đan xen nhau trong phiên 14.2. Tổng kết phiên, ghi nhận chỉ số thị trường S&P 500 tăng nhẹ 0,2%, lên thành 1.332,32 điểm; Nasdaq Composite tăng 0,3%, lên thành 2.817,18 điểm; trong khi đó, Dow Jones Industrial giảm không đáng kể, xuống còn 12.268,19 điểm.
Duy Trần
(Theo Bloomberg, Reuters)