Giải quyết nợ xấu cần nỗ lực liên ngành
Đăng ngày: 10/03/2013"Nếu chỉ NHNN sẽ không thể xử lý được triệt để vấn đề nợ xấu mà phải có phối hợp liên ngành, liên bộ, bởi ở đây cần có hành lang pháp lý và vấn đề xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo có liên quan đến công việc của rất nhiều bộ, ngành khác nhau", theo kinh tế gia của ADB.
Tăng trưởng chậm lại
Tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục chậm lại và kết quả khôi phục cũng như duy trì tăng trưởng GDP tốt hơn đến đâu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ thực hiện các chương trình cải cách khu vực ngân hàng và DNNN. Đây là một trong những nhận định đáng chú ý trong "Báo cáo cập nhật về Triển vọng Phát triển châu Á - ADO 2013" của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố ngày 2/10.
Họp báo công bố báo cáo cập nhật ADO 2013 tại Hà Nội ngày 2/10
Theo nhìn nhận của ông Dominic Mellor - chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB tại Việt Nam thì cả hai nguồn lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đều đã và đang tiếp tục yếu đi. Trong đó, nguồn lực trong nước chưa ổn định, thể hiện ở tăng trưởng tín dụng của cả khu vực tư nhân và DNNN đều thấp do gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đầu ra của hàng hóa trong bối cảnh cầu tiêu dùng của nền kinh tế vẫn yếu dù Chính phủ đã có những biện pháp hỗ trợ.
Động lực từ bên ngoài tuy vẫn mạnh và hỗ trợ cho tăng trưởng GDP nhưng so với cùng kỳ năm trước cũng đã chậm lại. Và đây chính là lý do quan trọng khiến ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2014 xuống mức 5,5%, từ mức 5,6% của lần dự báo trước đó, tuy nhiên vẫn giữ mức dự báo không đổi về tăng trưởng GDP trong năm nay ở mức 5,2%.
Một số liệu dự báo được ADB điều chỉnh mạnh, so với báo cáo gần nhất, cho cả năm nay và năm sau là chỉ số lạm phát. Theo đó, ADB dự báo lạm phát năm nay chỉ ở mức 6,5%, giảm 1% so với dự báo cách đây 6 tháng và năm 2014 là 7,2%, cũng giảm 1% từ mức 8,2% của dự báo hồi tháng 4/2013. Một trong những nguyên nhân chính khiến ADB điều chỉnh dự báo lạm phát về các mức thấp hơn như vậy vì cho rằng, giá lương thực - thành phần chiếm tỷ trọng quan trọng trong "rổ" tính CPI - đã giảm mạnh ngoài dự tính và có thể xu hướng này còn tiếp tục.
Nợ xấu - thách thức lớn nhất cần giải quyết
Một trong những thách thức lớn nhất cần tập trung giải quyết lúc này được chuyên gia Dominic Mellor nhấn mạnh là vấn đề giải quyết nợ xấu.
"Trong thời gian vừa qua NHNN đã triển khai những bước đi rất tích cực và sau khi bình ổn được hệ thống, NHNN đã bơm vốn cũng như hỗ trợ các TCTD trong việc tái cơ cấu: sáp nhập 8 trong 9 NHTM yếu kém; thành lập công ty VAMC… Ngay ngày hôm qua, chúng ta đã thấy VAMC bắt đầu có hoạt động giao dịch mua nợ xấu đầu tiên với ngân hàng Agribank", ông Dominic Mellor nói về những bước đi tích cực và cụ thể mà NHNN đã làm để giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, vẫn còn cần rất nhiều nỗ lực nữa để công tác xử lý nợ xấu thực sự mang lại hiệu quả. Đơn cử, việc thành lập và vận hành VAMC là một bước tiến tích cực, nhưng để đạt hiệu quả thì vấn đề "có cần tăng thêm vốn cho VAMC hay không" vẫn phải đặt ra. Đồng thời, cần có hướng xử lý đối với các khoản nợ xấu "chưa được phân loại" như các khoản vay không có tài sản thế chấp từ các DNNN như trường hợp của Vinashin. "Với những khoản vay này thì hoặc chúng ta phải tái cơ cấu DNNN đó, hoặc phải tái cấp vốn cho các NHTM đã cho vay", vị chuyên gia này nói.
Một thách thức lớn khác là hành lang pháp lý để chuyển các tài sản đảm bảo từ các NHTM về VAMC sau khi họ bán nợ xấu cho tổ chức này. Đây là vấn đề liên quan đến rất nhiều bên vì quá trình chuyển sở hữu cũng như giải quyết tận gốc không hoàn toàn nằm trong phạm vi thẩm quyền trực tiếp của NHNN, đặc biệt liên quan đến các quy định pháp luật như: Luật Đất đai, Luật Phá sản… Một vấn đề quan trọng nữa là cần có cơ chế rõ ràng trong hoạt động định giá và đấu giá các khoản nợ xấu sao cho sát với giá thị trường thì mới thu hút được nhà đầu tư.
"Nếu chỉ NHNN sẽ không thể xử lý được triệt để vấn đề nợ xấu mà phải có phối hợp liên ngành, liên bộ, bởi ở đây cần có hành lang pháp lý và vấn đề xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo có liên quan đến công việc của rất nhiều bộ, ngành khác nhau", ông Mellor phân tích. "Do đó, việc thành lập một Ban chỉ đạo liên ngành là một bước đi cần thiết và tích cực; việc thực thi của cơ quan này lại càng quan trọng hơn", vị chuyên gia này gợi ý.
Một thông điệp mạnh mẽ được một quan chức ADB đưa ra ngày 2/10 là Chính phủ cần có quyết tâm chính trị để đẩy nhanh quá trình cải cách DNNN và khu vực tài chính. Mặc dù đây là thông điệp tuy không mới, nhưng vẫn được ADB nhấn mạnh bởi tính quan trọng của nó.
"6 tháng trước đây chúng tôi đã nói mạnh về vấn đề phải thúc đẩy tái cơ cấu DNNN và hệ thống ngân hàng. Đối với lĩnh vực tái cơ cấu ngân hàng, đến ngày hôm nay chúng ta thấy đã có nhiều hành động cụ thể được triển khai. Trong khi đó, với lộ trình tái cơ cấu DNNN, rất tiếc chúng ta chưa thấy được những tiến triển song hành như vậy", ông Mellor nói và nhìn nhận thêm: "Chúng ta thấy rằng, vấn đề cốt lõi, gốc rễ của xử lý nợ xấu có liên quan đến DNNN. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng cần có quyết tâm chính trị để đẩy nhanh quá trình cải cách DNNN và khu vực tài chính".
Theo như giải thích của ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, quyết tâm chính trị ở đây là để giải quyết những khó khăn, thách thức trong khâu thực hiện.
"Bộ Tài chính đang được giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai tái cơ cấu DNNN. Nhưng khi chúng ta nói đến việc tái cơ cấu từng DNNN cụ thể thì nó lại liên quan đến rất nhiều vấn đề như: việc làm cho người lao động phải được giải quyết thế nào; làm sao để khôi phục tình hình tài chính cho DNNN; làm sao để hỗ trợ họ thoái vốn khỏi ngoài ngành… Rất tiếc, lời giải cho những vấn đề như vậy lại không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính. Điều đó đặt ra đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành. Nếu không có sự quyết tâm chung ấy thì vấn đề tái cơ cấu DNNN sẽ không giải quyết được. Đấy chính là sự đồng lòng và quyết tâm chính trị mà chúng tôi muốn nói tới" - ông Kimura cho biết.
ADO 2013 nhận định, tăng trưởng năm 2013 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thấp hơn so với các dự báo trước đây do hoạt động của 2 nền kinh tế lớn nhất khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ giảm sút và tác động tâm lý bất ổn liên quan đến khả năng Mỹ rút chương chình QE3. ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của khu vực năm 2013 xuống còn 6%, thấp hơn mức 6,6% và năm 2014, tăng trưởng GDP khu vực dự báo đạt 6,2%, thấp hơn 0,5% so với mức 6,7% đưa ra hồi tháng 4/2013. |
---|
Viet Bao.vn