Hàng loạt doanh nghiệp lên sàn tìm vốn
Đăng ngày: 2/06/10Hàng loạt các công ty đã lần lượt lên sàn giao dịch chứng khoán tính từ đầu năm đến nay.
Theo các chuyên gia chứng khoán, đối với doanh nghiệp niêm yết, đó là cơ hội để có thể tìm thêm kênh huy động vốn. Còn đối với nhà đầu tư, thị trường có thêm nhiều hàng hóa để họ chọn lựa.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm, sàn TPHCM đã có thêm hơn 35 cổ phiếu niêm yết. Tính riêng trong tuần này thì Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đón nhận thêm cổ phiếu mới của 6 công ty lên niêm yết. Như vậy, tính đến nay sàn TPHCM có 236 mã đang giao dịch, với giá trị niêm yết là 114.110 tỉ đồng.
Tương tự như sàn TPHCM, sàn Hà Nội (HNX) cũng đã có thêm 32 cổ phiếu mới niêm yết từ đầu năm đến nay, đưa tổng số cổ phiếu niêm yết trên sàn này là 296 mã, với giá trị niêm yết là 41.268 tỉ đồng.
Ngoài ra, hiện còn có rất nhiều công ty đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên cả 2 sàn TPHCM và Hà Nội. Trong đó tại HOSE đã có thêm 30 hồ sơ, còn tại HNX cũng có 56 công ty đăng ký niêm yết.
Trong khi cả năm 2009 có 121 doanh nghiệp lên niêm yết (72 doanh nghiệp lên sàn Hà Nội và 49 lên sàn TPHCM) thì trong năm nay, mới chỉ 5 tháng mà con số doanh nghiệp niêm yết của 2 sàn đã là 65. Và nếu tính con số hồ sơ đã đăng ký thì có thể trong vài tháng tới, con số niêm yết của 2 sàn sẽ là hơn 150 doanh nghiệp, tăng 24% so với năm ngoái.
Theo ông Lê Anh Thi, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Âu Việt, sở dĩ doanh nghiệp lên sàn nhiều từ cuối năm 2009 đến nay là vì thị trường chứng khoán đang phát triển khá ổn định. Thêm vào đó, trong điều kiện lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao càng thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn để tìm thêm nguồn vốn huy động khác.
"Hiện tại nhiều kế hoạch lên sàn của doanh nghiệp đều có kèm theo kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn", ông Thi nhấn mạnh.
Trong buổi giới thiệu niêm yết của DTL, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thép Đại Thiên Lộc cho biết sau khi lên sàn, công ty sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, để huy động vốn đầu tư vào khu công nghiệp Sóng Thần 3, Bình Dương.
Ông Nghĩa lý giải, mặc dù công ty đã vay ngân hàng để có nguồn kinh phí cho dự án nhưng nếu thu được nguồn vốn từ các kênh khác thì sẽ giảm được chi phí tài chính cho công ty.
Ngoài ra ông Thi cũng cho rằng do công văn số 1044/UBCK-QLPH mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định thì các công ty đại chúng phải đăng ký lưu ký và lên sàn UPCoM hoặc 2 sàn niêm yết nói trên nên các công ty đã xúc tiến việc lên sàn trong năm nay.
Theo bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng quản lý niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, việc niêm yết của các doanh nghiệp không tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán, vì thực tế, chỉ là sự chuyển dịch dòng tiền giữa các cổ đông đã nắm cổ phiếu của công ty từ sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa, và cổ đông dự định mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Bà Đào giải thích, chỉ khi công ty phát hành thêm cổ phiếu, hoặc thưởng cổ phiếu thì thị trường mới bị ảnh hưởng khi cổ phiếu bị pha loãng.
Cùng ý kiến này, ông Thi cũng cho rằng hiện nay tác động lớn đến lượng cung của thị trường là từ cổ phiếu phát hành thêm để huy động vốn của doanh nghiệp, tính đến thời điểm này là khoảng 32.000 tỉ đồng. Cùng với lượng vốn cần tăng cho đủ 3.000 tỉ đồng của các ngân hàng thông qua phát hành cổ phiếu là khoảng 35.000 tỉ đồng.
Giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, hiện tại cũng cần có thêm nhiều cổ phiếu mới để giúp cho hàng hóa trên thị trường phong phú hơn, giúp nhà đầu tư có nhiều cơ hội để chọn lựa. Tuy hiện nay đã có nhiều cổ phiếu lên sàn, nhưng ông nhận định: “thị trường vẫn cần thêm cổ phiếu từ các tập đoàn, công ty lớn của nhà nước như Sabeco, Mobifone...để thị trường không những lớn về số lượng mà còn tăng trưởng mạnh về chất lượng cổ phiếu".
Anh Huy, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Sacombank-SBS cho biết, thường thì các cổ đông rất mong công ty mà mình nắm giữ cổ phiếu có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán, không chỉ vì giá mà còn vì thanh khoản của cổ phiếu sẽ tốt hơn, thông tin của doanh nghiệp cũng sẽ minh bạch hơn.
TBKTSG