Kế hoạch tăng vốn ngân hàng: Không dễ thực hiện
Đăng ngày: 11/7/11Dù đã thông qua ĐHCĐ ở quý I/2011 các kế hoạch tăng vốn điều lệ được xây dựng kỹ lưỡng, song đến nay, các NH vẫn chưa có động tĩnh gì về việc triển khai thực hiện tăng vốn.
Tính đến nay, cả hệ thống ngân hàng còn 2 - 3 ngân hàng có vốn điều lệ chưa đáp ứng được yêu cầu Chính phủ đưa ra tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP và các nhà băng này đang phải gấp rút chuẩn bị hồ sơ để tiến hành việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay. Đơn cử như GiaDinh Bank, kế hoạch tăng vốn đã được Ngân hàng xây dựng và nếu theo đúng kế hoạch, đã hoàn tất vào cuối năm trước nhưng do bối cảnh TTCK ảm đạm, Ngân hàng đã không thực hiện được và được NHNN gia hạn đến hết năm nay. Tuy nhiên, đến nay, GiaDinh Bank vẫn chưa có động thái gì mới về việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
SaigonBank cũng xây dựng kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn từ mức 2.460 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng trong năm nay, chia làm 4 đợt. Trong đó, đợt 1 sẽ thực hiện trong quý II/2011 và đợt 4 sẽ hoàn tất vào cuối năm. Thế nhưng, đến lúc này, SaigonBank vẫn chưa triển khai kế hoạch trên.
Thực tế, diễn biến thị trường trong hơn nửa đầu năm nay còn khó khăn hơn cả năm trước, và được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian còn lại của năm nay. Chính sách tiền tệ thắt chặt khiến ngành ngân hàng nói riêng và TTCK nói chung còn khó khăn, nên cổ phiếu ngân hàng không mấy hấp dẫn, việc phát hành vì thế rất dễ đi đến thất bại.
Với các ngân hàng nhỏ cần tăng vốn để đáp ứng yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu, khó khăn tăng vốn càng lớn hơn khi phải cạnh tranh với cả các ngân hàng lớn cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Ví dụ, BIDV định tăng vốn từ 14.373 tỷ đồng hiện tại lên 17.000 - 18.000 tỷ đồng, MB tăng từ 7.300 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng, Sacombank tăng từ hơn 9.000 tỷ đồng lên 10.700 tỷ đồng, Maritime Bank tăng từ 5.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng… Có thể nói, lượng cổ phiếu dự kiến phát hành thêm của các nhà băng trong 2 quý cuối năm nay là rất lớn, khó tránh khỏi cung sẽ áp đảo cầu.
Các ngân hàng nhỏ cũng khó kỳ vọng vào việc cổ đông lớn sẽ ra tay mua cổ phiếu tăng vốn, ngoại trừ OceanBank với cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí; Maritime Bank với sự hậu thuẫn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn VNPT và cả Cục hàng không Dân dụng Việt Nam... OCB là một điển hình, dù đã có kế hoạch bán thêm 5% cổ phần cho đối tác chiến lược là Tập đoàn BNPP nhưng, phải mất hơn 1 năm, OCB mới được chấp thuận kế hoạch trên để tăng vốn điều lệ từ mức trên 2.600 tỷ đồng lên hơn 3.400 tỷ đồng.
Theo đánh giá của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa quản trị – kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP. HCM, để tăng sức đề kháng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập vào kinh tế thế giới và lĩnh vực ngành ngân hàng đã rộng cửa cho nhà băng ngoại thì việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các ngân hàng chạy đua phát hành cổ phiếu tăng vốn. Đáng chú ý là trước diễn biến thị trường có những khó khăn nhất định trong năm nay, khả năng sinh lời của đồng vốn tăng thêm sẽ rất khó, tạo áp lực không nhỏ cho ngân hàng tăng vốn cao. Đây cũng chính là điều mà các nhà đầu tư đều biết và vì thế đã đánh giá thấp cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh này.
Có lẽ, đến cuối năm nay, NHNN sẽ một lần nữa phải đứng giữa hai lựa chọn, hoặc là gia hạn cho số ngân hàng đã lỗi hẹn tăng vốn lên từ 3.000 tỷ đồng trong năm ngoái nhưng vẫn chưa thực hiện được trong năm nay, hoặc là xử lý các ngân hàng này theo một cách nào đó.
Theo Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán