Không chủ động sẽ không có FDI tốt
Đăng ngày: 2/4/13Ngày 27/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì Hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu ý kiến.
Nhận định về môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam, ông Kyoshiro Ichikawa, Chủ tịch công ty TNNN I.B.C Việt Nam (Nhật Bản) cho biết dù là điểm đến hấp dẫn nhiều tiềm năng, nhưng các doanh nghiệp FDI thường bối rối với sự thay đổi về chính sách, thủ tục hành chính rườm rà ở các địa phương, nhiều khi phải nhờ sự can thiệp của cấp cao hơn.
Chuyên gia kinh tế, TS.Trần Du Lịch khẳng định, Việt Nam vẫn có lợi thế nhất định trong thu hút FDI khi có môi trường chính trị ổn định và sự quyết tâm của các cơ quan chức năng, song chúng ta lại chưa chủ động trong thu hút nguồn đầu tư.
Sự chủ động này thể hiện trước hết ở cam kết cụ thể của các cơ quan chức năng về thời gian và thủ tục hành chính đơn giản sau khi cấp giấy phép cho nhà đầu tư. Đồng thời, lựa chọn đối tác theo từng lĩnh vực kỹ càng, có sự “ích kỷ” cần thiết, chủ động tạo dòng đầu tư mới, các dự án FDI công nghệ cao, để sớm chuyển từ một nền công nghiệp gia công sang sản xuất. “Kinh nghiệm thế giới cho thấy không có FDI tốt nếu không chủ động”, TS.Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, ông Kyoshiro Ichikawa đã đưa ra những phân tích cụ thể trong lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ. Theo đó, Việt Nam cần có chính sách phát triển những ngành, sản phẩm cụ thể, kèm theo các chính sách ưu đãi tương ứng phù hợp. Qua đó các doanh nghiệp FDI, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản, có thể căn cứ vào điều kiện của mình và các điều kiện môi trường sản xuất kinh doanh để ra quyết định đầu tư.
“Không nhất thiết phải thu hút doanh nghiệp quá lớn, Nhật Bản có nhiều doanh nghiệp nhỏ nhưng công nghệ rất hiện đại. Hơn nữa, ngoài các chính sách ưu đãi, cần có cơ sở hạ tầng, hệ thống cung cấp nguyên liệu, năng lượng (điện, vận chuyển hàng hóa) đảm bảo thuận lợi đầy đủ, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả hơn”, ông Kyoshiro Ichikawa nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, các nước trong khu vực hiện đang cải cách mạnh để thu hút đầu tư, vì vậy, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng xúc tiến đầu tư quan trọng nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI đã được cấp giấy phép, nhất là những dự án có hiệu quả, tiếp tục mở rộng đầu tư.
Về vấn đề chất lượng vốn FDI, nhiều ý kiến cho rằng dù đã đạt được những thành công nhất định trong việc chuyển hướng thu hút các dự án FDI vào công nghệ, tỷ lệ nội địa hoá trong các sản phẩm công nghệ cao vẫn chưa được như kỳ vọng (trung bình khoảng 20%). Do đó, trong thời gian tới Việt Nam cần phải phấn đấu nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng trong những sản phẩm này để bảo đảm sức cạnh tranh bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra e ngại khi Việt Nam đang kêu gọi các dự án FDI công nghệ cao nhưng lại chưa đảm bảo đủ nguồn nhân lực có trình độ để chuyển giao công nghệ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tất cả những hạn chế, bất cập trong thu hút vốn FDI đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, tổng thể để sớm khắc phục trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần phải nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về đầu tư theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực; tạo môi trường thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư.
Với các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam cam kết sẽ cùng các nhà đầu tư nước ngoài chung tay vượt qua thách thức, khó khăn, cùng nhau chia sẻ lợi ích và chúng ta cùng thành công”.
Từ Khóa: PT, KT, Công Nghiệp, Kinh Nghiệm, Trần Du Lịch, Lĩnh Vực, FDI,