Không cứng nhắc biên độ giá chào sàn
Đăng ngày: 5/10/09Tăng trần ít nhất 3 phiên, thậm chí có mã tăng tới hơn chục phiên ngay sau khi chào sàn, đó là xu thế của hầu hết các mã cổ phiếu mới niêm trong vòng 2-3 tháng trở lại đây.
Đã có không ít ý kiến cho rằng, không nên khống chế biên độ giá cổ phiếu ngày đầu giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), mà để thị trường tự điều chỉnh theo cung - cầu. Trong khi đó, HOSE vẫn "bảo lưu" quan điểm tiếp tục duy trì quy định trên, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Cổ phiếu DIG chào sàn HOSE ngày 20/8, tăng trần 9 phiên liên tiếp, điều chỉnh lại một vài phiên sau đó rồi tiếp tục kéo dài chuỗi12 phiên tăng trần, giá chào sàn từ 69.000 đồng/CP có lúc chạm mức 152.000 đồng/CP vào ngày 25/9.
VNI , VPH tăng trần 16 phiên liên tục từ ngày chào sàn 9/9. Trước đó, cổ phiếu HCM lập kỷ lục từ giá chào sàn 27.000 đồng/CP lên một lèo gần 70.000 đồng/CP. Những cổ phiếu khác đều trong vòng xoay tăng giá sau khi chào sàn như CSM, AAM, PHT....
Có nhiều lý do giải thích nguyên nhân cổ phiếu mới chào sàn tăng giá, như: tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, thông tin doanh nghiệp sau khi niêm yết minh bạch, cổ phiếu thanh khoản hơn... đến việc NĐT đầu cơ theo phong trào, đua lệnh, làm giá cổ phiếu khiến chứng khoán rơi vào tình trạng mua quá mức, giá có thể bị đẩy lên cao quá hoặc bong bóng.
Diễn biến khó lường trên thị trường đến thời điểm nào đó có thể gây thua lỗ oan uổng cho NĐT, DN cũng bị ảnh hưởng thương hiệu, hình ảnh, thậm chí cả kế hoạch huy động vốn khi giá cổ phiếu biến động quá mạnh trong khoảng thời gian ngắn.
Trước thực trạng này, đã có ý kiến cho rằng, cơ chế cung cầu của thị trường sẽ là thước đo để xác định giá trị của chứng khoán và nên chăng HOSE bỏ quy định giới hạn biên độ giá hoặc mở rộng biên độ ngày đầu với mức +/-50% nhằm giúp cổ phiếu mới niêm yết nhanh chóng xác định mức giá có cung cầu cân bằng. Việc làm này sẽ hạn chế hiện tượng “bơm” giá hoặc “ép” giá có thể gây phương hại đến các NĐT.
Trao đổi với ĐTCK về ý kiến này, ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc HOSE cho biết, theo quy chế giao dịch của Sở, biên độ giá ngày chào sàn tối thiểu là +/-20% và không có tối đa.
Trên thực tế, Hội đồng thẩm định hồ sơ niêm yết của HOSE sẽ xem xét giá chào sàn dự kiến của doanh nghiệp, khi đưa ra mức giá X, Y nào đó trong bản cáo bạch, doanh nghiệp phải đưa kèm những thuyết trình để làm cơ sở chứng minh mức giá đó là hợp lý, chẳng hạn những căn cứ về P/E, tình hình thị trường...
Sau khi đánh giá những thuyết trình đó là hợp lý, Hội đồng thẩm định của Sở sẽ thông qua và chấp thuận biên độ dao động giá CP ngày chào sàn là +/- 20%. Trong trường hợp phương án DN đưa ra quá vô lý và thiếu căn cứ thuyết phục, Hội đồng thẩm định sẽ đề nghị Sở áp biên độ khác hoặc mở toàn bộ biên độ giá ngày chào sàn.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, phương án thay đổi biên độ này chưa được áp dụng, bởi trong trường hợp Sở chưa thống nhất về giá chào sàn sẽ có trao đổi lại với doanh nghiệp để doanh nghiệp tự xem xét điều chỉnh và giải trình thêm. Ông Sinh cũng cho biết, đến nay chưa có trường hợp doanh nghiệp nào chủ động xin áp dụng biên độ giá ngày chào sàn khác với +/-20% hoặc không áp biên độ.
Không phải quy định về biên độ giá chào sàn ngày đầu tiên được thực hiện ngay từ khi HOSE bắt đầu hoạt động, mà phải tới năm 2007 mới được áp dụng. Theo giải thích của HOSE, do đặc thù khớp lệnh định kỳ, xác định giá đóng cửa theo đợt khớp lệnh nên giá cổ phiếu ngày giao dịch đầu tiên có thể không phản ánh chính xác giá trị của nó.
Chẳng hạn, trong trường hợp lệnh mua chất đống, không có lệnh bán, người bán có thể treo lệnh với giá cách xa mức cổ phiếu được định giá. Tại HOSE đã từng xảy ra trường hợp, có NĐT đặt bán cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng với giá 2.000 đồng, nhờ giám sát, Sở đã can thiệp kịp thời.
Nếu thực hiện mở biên độ giá hoàn toàn, với đặc thù về phương thức giao dịch như hiện nay, bộ phận giám sát của Sở sẽ phải "canh từng tích tắc". Với nỗi khổ như trên, HOSE đã phải kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho áp dụng biên độ giao dịch ngày chào sàn.
Đề cập đến các ý kiến "nới" quy định để giá cổ phiếu phản ánh chân thực hơn quan hệ cung cầu trên thị trường, đại diện HOSE cho rằng, đề nghị này không hẳn quá cần thiết. Kể từ khi được chấp thuận chính thức đến thời điểm chào sàn, DN có thời gian tới 3 tháng.
Tùy thuộc diễn biến thị trường và hoạt động sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp có thể đề nghị điều chỉnh giá chào sàn cho phù hợp. Nếu có cơ sở hợp lý, Sở sẵn sàng chấp thuận mức giá mới.
Về phía các đơn vị tư vấn, không phải CTCK nào cũng nắm vững quy định về quyền tự chủ của doanh nghiệp như trên. Giám đốc tư vấn một CTCK quả quyết, Sở đã có quy định biên độ giá chào sàn ngày đầu tiên là +/-20%, không có ngoại lệ nào khác.
Về phía CTCK cũng chỉ tư vấn giá chào sàn dựa trên các phương pháp định giá như giá trị sổ sách, chiết khấu dòng tiền, chiết khấu cổ tức, tham khảo giá thị trường, so sánh giá với các công ty khác trong cùng ngành đang niêm yết trên sàn, hoặc giá giao dịch OTC...
Việc xác định giá chào sàn, cũng như biên độ dao động giá ngày giao dịch đầu tiên được đánh giá là việc quan trọng và là mối quan tâm của các NĐT, bởi nó tác động rất lớn đến tình hình chung của các cổ phiếu trên sàn. Đối với trường hợp cổ phiếu của DN có vốn điều lệ lớn, tính thanh khoản cao thì càng được "để ý" nhiều hơn. Để có phương án vẹn toàn, rõ ràng "chốt chặn" nằm ở chính cơ quan quản lý thị trường và DN.
Theo Anh Việt
ĐTCK