Kiểm soát an toàn trong các làng nghề cơ khí: Cần quyết liệt hơn
Đăng ngày: 18/08/10Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tai nạn lao động (TNLĐ) tại các làng nghề, nhất là ở các làng nghề cơ khí thủ công… Tuy nhiên, tình trạng gia tăng TNLĐ ở các làng nghề này vẫn ở mức báo động.
Công Thương - Theo số liệu của Cục An toàn lao động - Bộ Lao động Thương binh – Xã hội (LĐ-TB&XH), xếp hàng sau tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng là sản xuất cơ khí và điện giật. Cụ thể: tại làng nghề thuộc Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội tỷ lệ TNLĐ trong lĩnh vực này đang ở mức báo động. Trong khi 80% dân số trong xã làm nghề cơ khí thì đào tạo nghề cho người lao động ở đây khá đơn giản, chỉ trong 1 tuần huấn luyện ai cũng có thể trở thành công nhân thành thục. Chính vì sự chủ quan dẫn đến 70% hộ gia đình làm nghề bị tai nạn lao động ở tay và mắt… Ngoài ra, làng nghề dao kéo ở Đa Sỹ, Hà Đông tình trạng tai nạn lao động chủ yếu ảnh hưởng đến mắt do chặt sắt bị bắn vào, hay mạt sắt, bụi sắt cũng làm cho thị lực giảm nhiều thậm chí bị mù…
Lý giải về tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng: mặc dù các địa phương có làng nghề cũng tích cực tuyên truyền vận động người dân giữ an toàn trong lao động sản xuất nhưng việc thực hiện vẫn chưa được triển khai một cách quyết liệt. Hầu hết các làng nghề vẫn chưa coi trọng công tác an toàn lao động. Hơn nữa, vì là nghề sản xuất thủ công, có máy móc nhưng hoạt động chính vẫn là bàn tay con người, chính vì thế để sản phẩm làm ra đẹp hơn chuẩn xác hơn mà nhiều người không mang đồ bảo hộ. Cơ chế xử phạt đối với những cơ sở sản xuất thủ công vi phạm các quy định về ATLĐ chưa cao nên chưa mang đầy đủ tính răn đe.
Để phòng ngừa tai nạn lao động trong sản xuất cơ khí thủ công không phải một sớm một chiều có thể làm được. Theo Cục an toàn lao động: để có một thế hệ người lao động khỏe mạnh và giảm bớt tình trạng TNLĐ trong lĩnh vực sản xuất cơ khí cần phải triệt để việc thực hiện các quy định an toàn cho người lao động phải thực sự đi vào cuộc sống. Theo đó, để đạt được hiệu quả trong công tác ATLĐ sản xuất cơ khí, đặc biệt là tại các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cảnh báo về những nguy cơ có thể mắc phải nếu thiếu an toàn trong sản xuất. Đồng thời, tăng cường cơ chế xử phạt đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kể cả người lao động trực tiếp để họ có ý thức đối với sức khỏe của mình.
Bên cạnh đó, thường xuyên thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, nếu cần thiết đình chỉ hoạt động sản xuất của cơ sở đó. Cục An toàn cũng cho rằng, các đơn vị bị xử phạt vì không tuân thủ quy định về an toàn lao động phải bị thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng theo điều 32, Nghị định 113 về xử phạt các vi phạm pháp luật lao động. Điều này sẽ tác động mạnh tới chủ doanh nghiệp. Bởi chẳng ai dại gì đi ký hợp đồng với doanh nghiệp không đảm bảo sự ổn định sản xuất, có nhiều rủi ro. Lao động cũng chẳng dại gì đi tìm việc ở doanh nghiệp suốt ngày bị rình rập vì tai nạn, không trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ.
Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, sẽ tập trung tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Cục An toàn lao động không xem xét việc phân bổ kinh phí cho những tỉnh, thành chưa xây dựng kế hoạch về bảo hiểm lao động. Địa phương nào không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm về vấn đề TNLĐ xảy ra tại địa phương. Trường hợp những địa phương để xảy ra nhiều tai nạn lao động trên địa bàn thì người quản lý phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Châu Anh