Kinh tế có xu hướng xấu đi trên nhiều phương diện
Đăng ngày: 10/4/13Từ 5-6/4/2013, tại Nha Trang, đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân được tổ chức bởi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với chủ đề "Tái cơ cấu nền kinh tế - một năm nhìn lại".
Ý kiến, đánh giá của các chuyên gia tại diễn đàn này giúp Ủy ban có cái nhìn toàn cảnh hơn khi chuẩn bị báo cáo tình hình kinh tế xã hội trình Quốc hội trong kỳ họp vào tháng 5.
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là vấn đề lớn của một quốc gia và cần thực hiện dài hơi. 2012 là năm nền kinh tế bắt đầu tiến hành tái cơ cấu và đến nay, theo ông những kết quả đạt được mới là bước đầu. "Với những kết quả khiêm tốn, có cơ sở để đánh giá rằng một năm qua, quá trình tái cơ cấu chưa đạt được những bước tiến thực tiễn mong đợi", ông Giàu nhận định.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nền kinh tế sẽ còn tiếp tục bất ổn nếu cứ loay hoay trong các giải pháp cứu chữa ngắn hạn, thay vì tạo ra thay đổi thực sự trong cơ cấu - những gì đã không làm được trong năm ngoái. Theo ông, nền kinh tế còn bất ổn, cơ sở tăng trưởng vẫn tiếp tục bị xói mòn, nguy cơ khủng hoảng gia tăng nhanh.
Thực tế được Tiến sĩ Trần Đình Thiên đưa ra là tình hình khó khăn rất chậm được cải thiện, nếu không nói là có xu hướng xấu đi trên nhiều phương diện. Lòng tin vào tính vững chắc và triển vọng rõ ràng của các kết quả chặn đà suy giảm tốc độ tăng trưởng và khôi phục các cơ sở ổn định vĩ mô vẫn đang rất yếu.
Theo PGS.TS. Bùi Tất Thắng - Viện Chiến lược phát triển, kinh tế năm 2013 sẽ tiếp tục khó khăn do niềm tin nền kinh tế đang bị suy giảm. "Nhà đầu tư không đưa vốn, người tiêu dùng cũng không sẵn sàng chi tiêu nên tổng cầu và tổng cung năm 2013 khó cải thiện", kinh tế năm 2013 khó khôi phục nhanh và nên nghĩ tới phương án khó đạt tốc độ tăng trưởng cao. Nền kinh tế Việt Nam hiện ở trong “bẫy tăng trưởng thấp” với tình trạng cắt giảm các đòn bẩy tài chính, thị trường bất động sản đóng băng, hệ thống ngân hàng còn yếu kém, đầu tư của các công ty giảm sút và niềm tin kinh doanh ở mức thấp. Vì vậy, trong dài hạn, việc khôi phục niềm tin cần gắn với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, để đưa nền kinh tế trở lại lộ trình tăng trưởng bền vững.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, hiện nay áp dụng cách thức tiến hành tái cơ cấu ngược khi có 3 đề án tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nước trước rồi mới có đề án tái cơ cấu tổng thể. Cần phải thay đổi tư duy, thúc đẩy mô hình tốt để tạo dựng niềm tin cho nền kinh tế, doanh nghiệp và xã hội
Theo phân tích của TS. Trịnh Quang Anh (Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam), nếu cộng cả những khoản nợ xấu tiềm tàng, gồm nợ khoanh, nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines, tổng nợ xấu ngân hàng được ước tính sẽ vọt tới tầm nửa triệu tỷ đồng.
Con số tương đương 18% tổng dư nợ tín dụng, gần 10% tổng tài sản toàn hệ thống hay khoảng 17% GDP danh nghĩa 2012 này là “đáng sợ”. Theo ông Quang Anh , điều đó là một minh chứng mạnh mẽ để giải thích tại sao tín dụng cho nền kinh tế rơi vào đình trệ, thanh khoản hệ thống ngân hàng bất ổn và nền kinh tế chìm sâu hơn trong suy thoái.
Nhắc đến số nợ xấu giảm rất nhanh từ mức 8,82% vào cuối tháng 9/2012 xuống còn 6% vào tháng 2/2013, TS. Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng đây cũng là vấn đề cần xem xét. Việc nợ xấu giảm chủ yếu do ngân hàng thương mại tăng cường “trích lập” dự phòng và đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng quỹ này, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là chưa hoàn toàn chính xác. Bởi chỉ khi ngân hàng thực sự sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xóa nợ thì nợ xấu mới thực sự được xóa khỏi bảng cân đối của ngân hàng, khi đó giá trị nợ xấu mới giảm.
Khẳng định chắc chắn rằng việc xử lý nợ xấu không thể diễn ra trong ngắn hạn, song TS. Tô Ngọc Hưng khá lạc quan khi cho rằng khả năng xử lý toàn bộ nợ xấu của nền kinh tế là tương đối khả quan mà không cần nhiều tới nguồn từ ngân sách cũng như sự hỗ trợ của nước ngoài. Theo nguyên tắc thị trường thì trước tiên trách nhiệm xử lý nợ xấu thuộc về bản thân các ngân hàng. Đối với ngân hàng, nguồn để xử lý nợ xấu chỉ có thể là khoản trích lập dự phòng rủi ro, tài sản đảm bảo và cuối cùng là vốn tự có, ông Hưng phân tích.
Phân tích 3 kịch bản kinh tế từ phục hồi nhanh chóng, phục hồi dần dần và chưa thoát khỏi tình trạng suy thoái, Giám đốc học viện Ngân hàng cho rằng chỉ từ việc xử lý tài sản đảm bảo, ngân hàng đã có thể xử lý được phần lớn số nợ xấu hiện nay.
Từ Khóa: PT, KT, Thị Trường, Chiến Lược, Khó Khăn, Đầu Tư, Việt Nam,