Lãi suất ngân hàng đã giảm khoảng 50%
Đăng ngày: 12/26/2015Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,3 - 0,5%/năm so với cuối năm trước, đưa mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2011.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2015 Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Năm 2015, lượng tiền cung ứng tiền tiếp tục được điều hành phù hợp theo mục tiêu hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, kiểm soát lạm phát nhưng vẫn đảm bảo hài hòa với các mục tiêu giảm lãi suất, tăng tín dụng hợp lý, hỗ trợ các TCTD đầu tư trái phiếu Chính phủ và xử lý nợ xấu.
Tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21/12/2015 tăng 13,55% so với cuối năm trước, phù hợp với kinh tế vĩ mô, tiền tệ và các giải pháp điều hành của ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mặt bằng lãi suất giảm nhưng huy động vốn vẫn tăng (đến ngày 21/12/2015, huy động vốn tăng 13,59% so với cuối năm trước) tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
![]() |
Mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,2 - 0,5%/năm, có tác dụng hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2015, NHNN duy trì ổn định lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động bằng VND, kết hợp với điều chỉnh giảm trần lãi suất USD, đảm bảo duy trì chênh lệch hợp lý giữa lãi suất VND và lãi suất USD.
Để tạo điều kiện giảm lãi suất, NHNN giữ ổn định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND, các TCTD trên cơ sở nhu cầu vốn của thị trường cân đối điều chỉnh giảm lãi suất cho vay so với trần quy định, điều tiết thanh khoản của các TCTD hợp lý để tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực xuống mức khoảng 6,5 - 6,6%/năm, tiếp tục yêu cầu các TCTD rà soát giảm lãi suất cho vay của các khoản vay cũ về mức lãi suất cho vay hiện hành.
Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với cuối năm trước (lãi suất ngắn hạn giảm khoảng 0,3%/năm, lãi suất trung và dài hạn giảm khoảng 0,3-0,5%/năm), đưa mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2011. Lãi suất huy động giảm khoảng 0,2 - 0,5%/năm và hiện ở mức tương đối thấp nhưng lòng tin vào đồng Việt Nam tiếp tục được củng cố và các TCTD tiếp tục huy động được vốn.
Riêng về tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục được giữ ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, tình trạng đôla hoá trong nền kinh tế tiếp tục giảm, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Theo Ngân hàng Nhà nước, kết quả tích cực của thị trường ngoại hối trong năm 2015 phản ánh sự điều hành chủ động, tích cực và quyết liệt của các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ. Trong đó, linh hoạt điều chỉnh tăng 3% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá từ ±1% lên ± 3% nhằm ứng phó kịp thời với các tác động bất lợi từ thị trường tài chính quốc tế; kết hợp với điều chỉnh lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng hợp lý, mua bán ngoại tệ can thiệp thị trường, ban hành các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ. Các động thái điều hành của NHNN được Chính phủ và các tổ chức quốc tế ủng hộ và đánh giá cao.
Thị trường vàng trong nước diễn biến ổn định, cung - cầu trên thị trường tương đối cân bằng, giá vàng trong nước không còn bị tác động bởi các nhân tố như sự biến động của giá vàng thế giới và sự biến động tăng của tỷ giá USD/VND. NHNN không phải sử dụng ngoại tệ như trước đây để nhập khẩu vàng can thiệp, bình ổn thị trường vàng miếng, tình trạng vàng hóa tiếp tục được ngăn chặn, góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô.
Riêng về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2016, Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2016 sẽ thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%).
Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Phấn đấu chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, chỉ tiêu dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20% so với cuối năm 2015 và căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp.
Theo Vnmedia.vn