Ngành Ngân hàng cam kết đóng góp 182,5 tỷ đồng cho 5 tỉnh Tây Nguyên
Đăng ngày: 28/4/13Ngày 12/4/2013, tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ban chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần 2. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và chủ trì Hội nghị.
Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 được tổ chức nhằm mục đích tiếp tục tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào khu vực Tây Nguyên; tiếp tục giới thiệu, quảng bá đến các nhà đầu tư cho các doanh nghiệp về tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút tạo điều kiện đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên… Hội nghị còn cung cấp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư những thông tin có hệ thống về các dự án và lĩnh vực kêu gọi đầu tư. Đồng thời, đây còn là diễn đàn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận về chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn các nguồn vốn cho phát triển cả vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho rằng, để đưa các quyết sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, tạo nên sức bật của nền kinh tế-xã hội trong vùng Tây Nguyên, ngành Ngân hàng đã rất chủ động trong việc tạo lập chính sách, sử dụng công cụ của chính sách tiền tệ, tín dụng, hướng dòng vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD), Ngân hàng Chính sách Xã hội, tổ chức tài chính vi mô tập trung cho phát triển kinh tế, giải quyết tốt về an sinh xã hội đối các đối tượng chính sách trong Vùng kinh tế Tây nguyên.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện về mọi mặt, có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với sự phát triển chung của đất nước. Tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm đạt cao hơn mức trung bình cả nước, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần so với năm 2001. Tình hình đầu tư trong và ngoài nước có những bước chuyển biến mạnh mẽ.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ chủ trì phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, cấp ủy, chính quyền địa phương 5 tỉnh trong vùng xây dựng Đề án tổng thể của ngành Ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế Tây nguyên để triển khai trong toàn hệ thống, tập trung tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo các TCTD trong việc mở rộng mạng lưới, tập trung vốn tham gia tài trợ các chương trình tín dụng đặc thù cho kinh tế Tây Nguyên.
NHNN tiếp tục chỉ đạo và làm đầu mối, kết nối tất cả các chương trình tài trợ cho an sinh xã hội đối với huyện nghèo, xã nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trong vùng Kinh tế Tây Nguyên, để có nguồn tiền đủ lớn, tạo ra sự thay đổi đáng kể đối với sản xuất, kinh doanh, điều kiện đi lại, trường học, nơi khám chữa bệnh... của bà con trong vùng được tài trợ.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, để triển khai tích cực có hiệu quả định hướng tổng thể và các giải pháp của ngành Ngân hàng và khắc phục triệt để những tồn tại hạn chế, NHNN mong muốn nhận được sự quan tâm, phối hợp đồng bộ trong chỉ đạo điều hành, phối hợp về tháo gỡ khó khăn trong chính sách của các Bộ ngành, nhằm tạo lập ngày tốt hơn môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của vùng Kinh tế Tây Nguyên nói riêng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Gia Lai và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị XTĐT Tây Nguyên lần thứ 2 có ý nghĩa rất quan trọng.
Để tiếp tục xây dựng Tây Nguyên trở thành một vùng động lực phát triển của cả nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu:
Thứ nhất: Phải bằng mọi giải pháp, mọi chính sách ưu đãi để quy tập mọi nguồn lực trong và ngoài nước của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội ngày càng hiện đại trên vùng Tây Nguyên. Trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình lớn và công trình giao thông, đảm bảo thông suốt các cảng biển, sân bay, đô thị ven biển và các vùng phụ cận.
Thứ hai, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên cần tăng cường phối hợp triển khai quy hoạch một cách hiệu quả, gắn kết các tiềm năng lợi thế, tạo tiếng nói chung để thu hút đầu tư phát triển. Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ quản lý và tay nghề cao. Có chính sách thích hợp để khuyến khích, ứng dụng đổi mới và chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư phát triển.
Thứ ba, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương trong vùng tập trung lựa chọn một số dự án đầu tư trọng điểm có tính lan tỏa vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và đề xuất các ưu đãi đặc biệt để tập trung đầu tư và thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức, nhiều nguồn vốn khác nhau. Đây cũng là bước đi phù hợp thực hiện để tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới bền vững ở khu vực Tây Nguyên.
Thứ tư, tăng cường thu hút đầu tư gắn với thúc đẩy với các chương trình hợp tác khu vực tam giác phát triển, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, giao lưu thương mại với các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh vùng biên của Lào, Campuchia. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các khu kinh tế cửa khẩu: Bờ Y, Lệ Thanh sớm trở thành những hạt nhân đối với sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng.
Thứ năm, thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên phải gắn liền với việc đảm bảo an ninh, quốc phòng, và trật tự an toàn xã hội nhằm tạo cho Tây Nguyên trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, đồng thời cũng đảm bảo cho Tây Nguyên luôn là căn cứ vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2, các ngân hàng đã cam kết vốn tập trung vào các dự án trong lĩnh vực thế mạnh của Tây Nguyên với tổng số tiền là 23.899 tỷ đồng vào các lĩnh vực cà phê, cao su, thủy điện… Số tiền cam kết của các ngân hàng cụ thể như sau: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là 12.930 tỷ đồng, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank): 1.315 tỷ đồng, Ngaann hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank): 1.601 tỷ đồng, Ngaann hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): 7.535 tỷ đồng, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB): 482 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Ngân hàng Chính sách Xã hội đã ký biên bản ghi nhớ tăng cường vốn cho các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên. Theo đó, phấn đấu đến năm 2017 đạt mục tiêu 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn tín dụng chính sách, tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Cũng tại Hội nghị, ngành Ngân hàng cam kết đóng góp 182,5 tỷ đồng cho 5 tỉnh Tây Nguyên để thực hiện chương trình an sinh xã hội.
Từ Khóa: TB, TH, Ngân Hàng, NH, Tỷ Đồng, Tây Nguyên, Dịch Vụ,