"Nhiều lý do để lạc quan về nền kinh tế!"
Đăng ngày: 11/05/2013Đánh giá chuyển biến còn chậm, nhưng HSBC khẳng định, kinh tế Việt Nam chắc chắn càng ngày càng tốt hơn. Đường lối thực hiện đã rất rõ ràng, vấn đề ở đây chỉ là tốc độ thực hiện.
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 10, Ngân hàng HSBC đưa ra nhận định đầy chắc chắn, tuy còn chậm nhưng nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng chuyển biến tốt hơn.
Cụ thể, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành Sản xuất (PMI) của Việt Nam trong tháng 10 giữ mức 51,5 điểm (trên ngưỡng 50 có nghĩa môi trường kinh doanh đã cải thiện so với tháng trước). Sản lượng, đơn hàng mới, nhân công việc làm và số lượng hàng mua đều tăng.
Trong khi đó, giá cả đầu vào giảm phản ánh tình hình lạm phát đã giảm tốc từ mức 6,3% trong tháng 9 xuống còn 5,9% trong tháng 10. Theo HSBC, nhu cầu trong nước yếu và giá dầu thuận lợi dường như sẽ giữ mức lạm phát thấp từ nay đến cuối năm.
Một trong nhưng nguy cơ đối với lạm phát trong những tháng tới được cho là xuất phát từ giá cả thực phẩm tăng. Trong tháng 10, chỉ số giá nhóm này đã tăng lên 4,1% so với cùng kỳ từ mức tăng 3,5% hồi tháng 9). Dù vậy, nhóm chuyên gia vẫn hy vọng lạm phát giá cả thực phẩm sẽ tăng chậm, đặc biệt là từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Nhu cầu nội địa yếu cũng là một trong những nguyên nhân khiến triển vọng tăng trưởng ngắn hạn thấp. Tăng trưởng cả năm 2013 được dự báo ở mức 5,2% trước khi tăng lên mức 5,4% vào năm 2014.
“Sự suy giảm là một thực tế nghiêm túc cho thấy khủng hoảng nợ xấu của Việt Nam đã làm giảm ham muốn tiêu dùng và sức hấp dẫn của đầu tư” – HSBC khuyến nghị.
Cũng theo đánh giá của ngân hàng này, việc Chính phủ thúc đẩy thu hút nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là vào ngành sản xuất, được xem là tích cực.
Từ đầu năm đến nay, dòng vốn FDI đăng ký đã tăng 95,8% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 13,1 tỷ USD. Dòng vốn FDI vào ngành sản xuất tăng 136,5% đạt 9,3 tỷ USD. Qua đó, hỗ trợ nhu cầu lao động và thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu - các yếu tố cần thiết để bù đắp tình trạng nhu cầu nội địa trì trệ.
Dòng vốn FDI bền vững, thâm hụt thương mại giảm và chỉ số lạm phát ổn định giúp Việt Nam có một thời kỳ ổn định để giải quyết những vấn đề lớn hơn. Nhiệm vụ còn lại là giải quyết vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng, thúc đẩy cải cách các doanh nghiệp Nhà nước và nâng cao phát triển cơ sở hạ tầng. “Đường lối thực hiện đã rất rõ ràng, vấn đề ở đây chỉ là tốc độ thực hiện”, theo HSBC.
Theo Dân trí