Nhiều ngân hàng tìm đến đối tác ngoại
Đăng ngày: 15/7/11Giá cp NH đang xuống thấp là thời điểm tốt cho đối tác nước ngoài dễ thoả thuận giá. Hàng loạt vụ mua bán cổ phần giữa cổ đông nước ngoài và NH nội diễn ra thành công.
Hôm 8/7, Ngân hàng Phương Nam (PNB) và Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa được Ngân hàng Nhà nước thông qua việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hiện hữu.
Theo đó, PNB sẽ tăng vốn điều lệ từ 3.049 tỷ đồng lên hơn 3.212 tỷ đồng từ việc chào bán cổ phần riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài là United Overseas Bank (OUB). UOB mua 16,35 triệu cổ phần của SouthernBank (tương đương 5%) để nâng tỷ lệ sở hữu từ 15% lên 20%.
Còn VIB cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên 4.250 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài là Commonwealth Bank of Australia (CBA). Cụ thể, nhà băng này sẽ chào bán riêng lẻ thêm 25 triệu cổ phần cho CBA, nâng tổng mức sở hữu cổ phần của cổ đông này lên 85 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 20%.
Tương tự, , nâOCB hôm 11/7 cũng đã dành khối lượng tối đa 29 triệu cổ phần để bán tiếp cho cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn BNP Paribas, tăng tỷ lệ sở hữu vốn của BNP Paribas tại nhà băng từ 15% lên 20%.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông cho biết, thực ra kế hoạch bán thêm 5% cổ phần cho BNP Paribas đã được thoả thuận cách đây gần một năm trước. Nhưng do phải thông qua nhiều thủ tục, quy trình nên nay mới hoàn tất.
Theo Tổng giám đốc OCB, số vốn tăng thêm này, nhà băng dự kiến sẽ sử dụng vào việc tăng cường tín dụng, mở rộng mạng lưới, đầu tư cơ sở vật chất công nghệ, mở rộng hoạt động đầu tư liên doanh, góp vốn...
Ông Tuấn cũng thừa nhận, việc một ngân hàng có được các cổ đông chiến lược nước ngoài (thường là các ngân hàng lớn có tên tuổi) đồng nghĩa với việc có được sự hỗ trợ tốt về tài chính, công nghệ và đặc biệt là kinh nghiệm quản trị điều hành.
Trước động thái bán cổ phần cho đối tác nước ngoài diễn ra tương đối nhiều như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng đây là bước đi cần thiết để các ngân hàng tăng đủ lượng vốn điều lệ theo quy định. Bởi với tình hình hiện nay, để đáp ứng đủ vốn điều lệ theo lộ trình thực sự không đơn giản, nhất là khi tình hình thị trường chứng khoán ảm đạm.
Trưởng bộ môn đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM Lê Đạt Chí, cho biết, với những ngân hàng đã đạt vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thời điểm này nhằm tăng tiềm lực tài chính. Bởi trong tương lai, vốn điều lệ không phải dừng lại ở 3.000 tỷ đồng, mà còn cao gấp nhiều lần.
Ngoài ra, đối tác ngoại lúc này dễ giải ngân hơn, bởi họ sẽ thoả thuận được mức giá có lợi hơn thời điểm thị trường chứng khoán sôi động. Nhưng dĩ nhiên, giá cao hay thấp không phải là mục đích trọng yếu khi nhà đầu tư nước ngoài quyết định mua cổ phần, mà còn căn cứ nhiều yếu tố khác.
Trường hợp những nhà băng chưa đạt vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Họ buộc phải phát hành thêm tăng vốn hoặc bán cổ phần cho đối tác chiến lược. Thế nhưng việc phát hành thêm trong điều kiện chứng khoán ảm đạm lại không dễ thành công. Thị trường khó có thể hấp thu nổi lượng phát hành lớn. Phương án bán cho đối tác chiến lược khả thi hơn. Song, nhà băng sẽ yếu thế trong việc thương lượng giá bán và khó có thể ở mức cao.
Còn chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhìn nhận: "Nếu nhà băng bán cho đối tác ngoại dưới mệnh giá, cơ hội có được nhà đầu tư chiến lược sẽ cao hơn". Bởi hiện tại, giới đầu tư có quá nhiều chọn lựa. Cổ phiếu ngân hàng cũng không còn thời kỳ bong bóng như trước, mà đã giảm mạnh, thậm chí kém hấp dẫn so với cổ phiếu các ngành khác.
Dự đoán về xu hướng sắp tới, Tổng giám đốc OCB cho rằng, về dài hạn, thị trường tài chính Việt Nam có thể xem là một tiềm năng. Nhưng trong ngắn hạn, việc đối tác nước ngoài đầu tư vào ngành ngân hàng khó rầm rộ.
Còn chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn cũng nhìn nhận, cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục kém hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy ngân hàng báo lãi lớn, nhưng tỷ suất sinh lợi thấp hơn một số doanh nghiệp niêm yết khác, nên khó thu hút dòng tiền.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cho vay chứng khoán cao, nên việc dùng đòn bẩy bị ảnh hưởng. Điều này cũng ảnh hưởng tới sức mua (trong đó có cổ phiếu ngân hàng).
Theo Lệ Chi - Bạch Hường
VnExpress