Nới tín dụng phi sản xuất: Đừng trông mong gì nhiều!
Đăng ngày: 4/2/13Nếu Chính phủ không có những biện pháp can thiệp mạnh, tín dụng trong nền kinh tế, cho cả lĩnh vực sản xuất lẫn phi sản xuất, sẽ chỉ tăng trưởng ở mức thấp.

Tín dụng phi sản xuất chỉ tăng trưởng ở mức thấp
Với lĩnh vực chứng khoán, các chính sách mở rộng thị trường, tăng biên độ, giảm thời gian giao dịch, áp dụng quỹ ETF, quỹ mở... cho thấy đây là lĩnh vực sẽ được nới lỏng. Và theo ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc phân tích Quỹ SHF, lĩnh vực này sẽ thu hút thêm dòng tiền cho vay margin từ ngân hàng trong năm nay.
“Với bất động sản thì tiền sẽ vào các lĩnh vực chọn lọc có lãi như xây nhà phục vụ nhu cầu của đa số người dân (nhà dưới 1 tỷ đồng/căn) chứ không vào mọi phân khúc của thị trường” – Ông Đức nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Độ - Chuyên gia tài chính thì lại cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, mức độ rủi ro cao trên các thị trường mới là yếu tố cản trở sự dịch chuyển của các dòng tiền. Đối với các ngân hàng, lãi suất cao chưa chắc đã đủ để bù đắp những rủi ro của việc các khoản cho vay một ngày nào đó sẽ biến thành nợ xấu. Ngược lại, đối với các nhà đầu tư, lãi suất thấp có thể chưa đủ để bù đắp những rủi ro của việc giá bất động sản sẽ tiếp tục giảm.
Đối với các doanh nghiệp, kể cả khi có thể vay được vốn với lãi suất thấp, thì các khoản đầu tư để mở rộng sản xuất này chưa chắc đã đem lại lợi nhuận, nếu hàng hóa không tìm được nơi tiêu thụ. Những rủi ro này chỉ được giảm bớt khi nợ nần được thanh toán, giá cả tài sản trở về mức hấp dẫn và tổng cầu trong nền kinh tế được cải thiện.
Ngay cả đối với lĩnh vực chứng khoán, việc vay nợ sẽ chỉ mang tính ngắn hạn và với quy mô vừa phải, bởi nếu nhìn về tương lai, mọi thứ có thể sẽ không xấu đi, nhưng chưa thể tốt lên một cách nhanh chóng. Có lẽ những người có nhu cầu vay lớn nhất hiện nay là những người đang vay nợ nhiều và muốn đáo hạn hoặc muốn vay tiếp để hoàn thành những dự án còn đang dang dở.
Nếu Chính phủ không có những biện pháp can thiệp mạnh, tín dụng trong nền kinh tế, cho cả lĩnh vực sản xuất lẫn phi sản xuất, sẽ chỉ tăng trưởng ở mức thấp.
Lãi suất không đủ để bù đắp lòng tin
Nguyên nhân được ông Nguyễn Đức Độ chỉ ra là vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là thiếu tiền và do đó sức mua bị kiệt quệ.
“Ngân sách bị thiếu tiền do khó tăng thu và khó tăng vay nợ với quy mô lớn; người dân bị thiếu tiền vì lạm phát cao trong nhiều năm qua; các doanh nghiệp, nhà đầu tư bị thiếu tiền do trong quá khứ sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao, đầu tư vào các dự án bất động sản đầy tham vọng, nhưng thị trường này lại đang đóng băng”.
Ngoài ra, khi lòng tin trên thị trường bị sụt giảm mạnh, tốc độ quay vòng của tiền cũng giảm theo và đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến thiếu tiền.
Theo giới chuyên gia, hiện nay chỉ có mỗi NHNN là nhiều tiền, nhưng việc bơm tiền vào hệ thống ngân hàng lại không giải quyết được vấn đề một cách triệt để. Nới lỏng tiền tệ có thể khiến lãi suất giảm, nhưng các ngân hàng vẫn hạn chế cho vay và nhu cầu vay cũng không lớn.
Trong khi đó, việc bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế lại đang gặp nhiều trở ngại, từ sự lo ngại quá mức của xã hội về việc lạm phát có thể quay trở lại cho đến những phản ứng của người dân về tính công bằng của các giải pháp xử lý nợ xấu và giải cứu thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng trong bối cảnh sức mua của nền kinh tế bị kiệt quệ như hiện nay, lạm phát không thể là vấn đề đáng lo ngại trong một vài năm tới.
“Lạm phát cao sẽ chưa thể quay trở lại, chừng nào nợ nần chưa được thanh toán xong, thị trường bất động sản chưa bước vào giai đoạn phục hồi và thu nhập của người dân chưa được cải thiện. Sức mua của nền kinh tế sẽ không thể tăng, nếu tiền không đến được túi của người dân, doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư” – Ông Độ nói.
Ở góc độ tích cực hơn, theo ông Đức, định hướng chung là tăng tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung năm 2013 nhằm khơi thông nền kinh tế. Năm 2012 khó khăn là vậy nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn đạt 8.91%/ năm thì 2013 tăng tín dụng với các biện pháp hạ lãi suất, kích thích tài chính và thuế sẽ còn cao hơn mức trên khoảng 10%-12%/năm.
Tuy nhiên ông Đức cũng không khỏi hoài nghi và đặt câu hỏi: “Vấn đề là chúng ta không biết rõ con số tăng 8.91% của năm 2012 có bao nhiêu phần là tăng trưởng ảo để đạt chỉ tiêu của các ngân hàng?”
Từ Khóa: LS, Ngân Hàng, Tăng, Tăng Trưởng, Chỉ Tiêu, Ngân Hàng, NH,
Các tin tức khác