Phối hợp giữa ngành khai thác khí và điện chưa nhịp nhàng
Đăng ngày: 16/11/2010WB cho rằng, Việt Nam cần tăng gấp đôi tốc độ phát triển dự án khí mới hiện nay mới đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế, đặc biệt là cho phát điện.
Trong buổi công bố Báo cáo phát triển ngành dầu khí của Việt Nam cuối tuần tại Hà Nội, ông Roland Priddle, chuyên gia của ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, WB khuyến cáo Việt Nam cần tăng gấp đôi tốc độ phát triển dự án khí hiện nay, tức là cứ hai năm, cần có một dự án mới để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa từ nay đến 2025.
Theo ông Roland, chuyên gia đã làm việc với Việt Nam từ 2003 trong hỗ trợ phát triển ngành dầu khí, nhu cầu khí của Việt Nam vào năm 2025 có thể cao hơn dự báo mà thứ trưởng bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đưa ra, từ 19-25 tỷ m3/năm, so với 15 – 17 tỷ m3/năm. Theo bộ Công thương, lượng khí đã khai thác từ trước tới nay tại Việt Nam là khoảng 90 tỷ m3 (BCM) trong tổng trữ lượng khí đã được phát hiện tính tới nay là gần 700 tỷ m3 khí. Các nghiên cứu sơ bộ cũng chỉ ra rằng, tài nguyên khí của Việt Nam còn khoảng 700 tỷ m3 nữa chưa được phát hiện
Do đó, WB cho rằng, Việt Nam cần tăng gấp đôi tốc độ phát triển dự án khí mới hiện nay mới đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế, đặc biệt là cho phát điện.
Trước đó, ông Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, với tốc độ tìm kiếm, phát hiện mỏ khí mới như hiện nay thì chỉ ngay sau 2015, Việt Nam sẽ phải tính đến nhu cầu nhập khẩu khí cho tiêu thụ trong nước.
Với vai trò là người sâu sát thị trường khí đốt Việt Nam, ông Roland cho rằng, một trong những thách thức lớn để phát triển thị trường khí Việt Nam chính là phương pháp định giá không rõ ràng, khiến cho giá khí trên thị trường không ổn định.
“Giá không có sự ổn định do phương pháp định giá không rõ ràng, điều khoản liên quan đến định giá khí cũng chưa nhất quán. Tôi thấy có sự mâu thuẫn trong yêu cầu đối với nhà phát triển khí và nhà phát triển dầu”, ông Roland nói.
Theo ông, những nhà phát triển trong lĩnh vực dầu đã có chính sách và quan điểm về vấn đề này rõ ràng. Rằng nhà nước thì làm chủ các nguồn tài nguyên này và mong muốn thúc đẩy xây dựng giá dầu ở mức cao nhất có thể. Trong khi đó, các công ty khai thác khí vẫn chưa cho thấy rõ quan điểm nhất quán như thế so với các tiêu chuẩn trên thị trường quốc tế và cũng không có sự khẳng định, giống các công ty dầu, là thúc đẩy cơ chế giá cao nhất cho khí.
“Điều này khiến cho các nhà phát triển trong lĩnh vực khí cảm thấy không an tâm trong khoản đầu tư của mình, dường như họ cho rằng các chính sách về lĩnh vực khí vẫn chưa được nhất quán”, chuyên gia này nói.
Ông Alain Barbu, quyền giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nói, một trong những thách thức chính của ngành khí Việt Nam là thu hút nhiều đầu tư hơn nữa, trong khi việc tăng kinh phí cho ngành không phải là điều dễ dàng. Còn PVN cũng ước tính, cần một khoản đầu tư trị giá 30 tỷ USD từ 2006 – 2025 để phát triển nguồn khí tự nhiên và dầu mỏ ngoài khơi của Việt Nam, đồng thời để đưa năng lượng đến với thị trường. Trong đó, các đối tác thuộc khu vực tư nhân của PVN được kỳ vọng sẽ đóng góp 50% số vốn cần thiết nói trên.
Chính vì thế, WB hy vọng Việt Nam có thể cân bằng cung và cầu bằng cơ chế giá trong thị trường cạnh tranh. Tuy nhiên, điều này sẽ khó khăn nếu không có bên mua và bên bán cạnh tranh, ông Roland nói.
Xuất phát từ đó, các chuyên gia của WB khuyến cáo, vấn đề chủ chốt trước mắt của Việt Nam chính là định giá khí. Với phương pháp định giá khí cạnh tranh, dần dần thị trường cạnh tranh sẽ được hình thành, giá cả sẽ do thị trường quyết định mà không có sự can thiệp của nhà nước.
Đáng chú ý, để có thị trường khí cạnh tranh, WB cũng nhấn mạnh việc thay đổi vai trò của PVN. “Chính phủ Việt Nam không nên trao cho đơn vị này vị trí độc quyền trong dài hạn”. Theo tổ chức này, sự độc quyền hiện nay của PVN trong ngành khí sẽ khiến các nhà đầu tư tư nhân lo ngại về rủi ro của những hành vi độc quyền, không được điều tiết.
Một vấn đề đáng chú ý được các chuyên gia của WB lưu ý trong buổi họp là ngành khí và ngành điện của Việt Nam đến nay vẫn chưa phối hợp hiệu quả với nhau, trong khi ngành điện tiêu thụ đến 90% lượng khí. Việc phối hợp thiếu găn kết có thể dẫn đến hậu quả là việc sử dụng nguồn tài nguyên này bị lãng phí.
SGTT