TGĐ Standard Chartered: Thiệt hại các khoản nợ xấu của Việt Nam khoảng 7 tỷ USD
Đăng ngày: 4/12/12Theo ông Louis, con số này vẫn nằm trong tầm kiểm soát, thực tế kể cả khi con số gấp đôi thì Việt Nam vẫn có thể giải quyết được.
Theo ông Louis Taylor, Trưởng nhóm công tác Ngân hàng VBF, TGĐ Ngân hàng Standard Chartered VN, mặc dù các ngân hàng Việt Nam có nhiều vấn đề xảy ra song các năm qua đã có rất nhiều trường hợp xảy ra trước đó trên thế giới và họ vẫn giải quyết được vấn đề nợ xấu một cách ổn thỏa, do đó ông Louis cho rằng Việt Nam sẽ giải quyết được vấn đề này.
Tình hình nợ xấu của Việt Nam chưa dẫn đến tình trạng khủng hoảng như những gì diễn ra cách đây 15 năm tại Indonexi hay Thái Lan, và gần đây nhất là tại các nước Phương Tây, do đó Việt Nam có thời gian để hành động và lựa chọn về mặt chính sách.
Tuy nhiên theo đại diện của Nhóm công tác Ngân hàng thì chúng ta đã bàn bạc quá nhiều và đây là thời điểm để hành động.
Về bản chất vấn đề nợ xấu, chưa ai biết rõ quy mô của vấn đề. Theo báo cáo của các NHTM thì nợ xấu tại Việt Nam ở mức 4,3%, tuy nhiên con số NHNN đưa ra là 8,8% và con số này thực tế có thể gấp đôi.
Nếu lấy con số của Thống đốc NHNN ước đoán thì lượng nợ xấu của ngân hàng Việt Nam xấp xỉ 12 tỷ USD, thông tường tổn thất không đòi nợ được của các khoản nợ xấu là 60% thì tổng thiệt hại của các khoản nợ xấu khoảng 7 tỷ USD, tương đương 5% GDP Việt nam và con số này vẫn nằm trong tầm kiểm soát, thực tế kể cả khi con số gấp đôi thì ông Louies cho rằng vẫn giải quyết được.
Đầu tiên, các nhà chức trách cần có đánh giá về bản chất của vấn đề và cần có được một niềm tin chung vào phiên bản duy nhất của sự thật, theo ông Louis, NHNN đã có một bước đi đúng đăn là bắt đầu tham gia thanh tra toàn diện vào sổ sách nợ của các ngân hàng, các dữ liệu ngân hàng thu thập được sẽ đưa ra bức tranh chính xác về nợ xấu trên bình diện toàn hệ thống cũng như từng ngân hàng.
Về việc xử lý nợ, khoản nợ xấu 100 đồng sẽ có giá trị dưới 100 đồng, việc giải quyết nợ xấu này theo các cách khác nhau là điều không thể tránh, câu hỏi đặt ra ai là người gánh chịu tổn thất và khi nào. Người gánh chịu tổn thất hoặc là chủ sở hữu của ngân hàng đã gây ra nợ xấu hoặc là Nhà nước hoặc sự kết hợp giữa Nhà nước và ngân hàng.
Theo quan điểm của ông Louis, vốn chủ sở hữu của ngân hàng cần được sử dụng trước khi nhà nước chi ra chi phí cố định nào để tái cơ cấu. Chi phí cuối cùng mà Nhà nước phải gánh chịu cho chương trình tái cơ cấu ngân hàng sẽ giảm tổi thiểu vì mục đích chính của vốn chủ sở hữu ngân hàng là dùng để bù đắp tổn thất. Sẽ có các rủi ro về mặt đạo đức nếu các chủ sở hữu ngân hàng không bị mất giá trị vốn gốc của họ.
Quyết định ghi nhận tổn thất và phân bổ nó cho các cổ đông của ngân hàng là khó khăn, cả khó khăn về mặt kinh tế và chính trị, nhưng trừ phi chúng ta đảm bảo điều này xảy ra thì không có giải pháp đáng tin cậy nào để đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng hàng năm trên 6% một cách bền vững trong khoảng thời gian chấp nhận được.
Việc tái cơ cấu ngân hàng đều bắt nguồn từ việc ghi nhận tổn thất ban đầu, nếu không quyết liệt giải quyết nó sẽ tiếp tục đè nặng nền kinh tế như hiện nay. Do đó, ông Louis cho rằng, Việt Nam hãy dũng cảm và có một quyết định dứt khoát để xử lý nợ xấu.
Theo TTVN
Từ Khóa: Ngân Hàng, PT, NHNN, Quy Mô, Vấn Đề, Nợ, Nợ Xấu,