Thanh toán không dùng tiền mặt - “Miền đất hứa” cho mảng bán lẻ ngân hàng?
Đăng ngày: 07/01/2015Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ trở thành một xu hướng tất yếu tại Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Trong nền kinh tế thị trường, thanh toán không dùng tiền mặt có một vai trò hết sức quan trọng đối với từng người dân, từng doanh nghiệp và đối với toàn bộ nền kinh tế. Nó đáp ứng được đòi hỏi của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế thị trường, làm cho Ngân hàng trở thành trung tâm thanh toán của nền kinh tế.
Ở nhiều nước trên thế giới, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt từ lâu đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Bỉ, Pháp, Canada, giá trị chi tiêu không dùng tiền mặt của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hằng ngày.
Chính phủ Đan Mạch mới đây cũng vừa đưa ra đề xuất việc các nhà bán lẻ cần từ chối các khoản thanh toán bằng tiền mặt và chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ hoặc qua điện thoại di động. Đây là động thái nhằm hướng đến việc Đan Mạch có thể trở thành nền kinh tế không dùng tiền mặt đầu tiên trên thế giới.
Chính phủ nước này cho rằng, động thái trên sẽ giúp giảm chi phí, tăng năng suất lao động cho các hoạt động kinh doanh.
Đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu về sự thay đổi này đã được thực hiện, hàng loạt những nhận định, dự đoán từng các chuyên gia, tổ chức uy tín hàng đầu thế giới đã cùng đi đến một khẳng định: viễn cảnh một thế giới không dùng tiền mặt là điều tất yếu.
Miền đất hứa cho ngân hàng Việt
Tại Việt Nam, nhận biết được lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 hồi cuối năm 2011.
Mục tiêu của kế hoạch này là nâng dần số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua POS, đưa thanh toán qua POS trở thành thói quen của chủ thẻ, phấn đấu đạt mục tiêu trên cả nước có khoảng 200.000 POS được lắp đặt và số lượng giao dịch đạt khoảng 80 triệu giao dịch/năm vào cuối năm 2014, khoảng 250.000 POS được lắp đặt và số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm vào cuối năm 2015.
Tuy vậy, với tỷ lệ tiếp cận thương mại điện tử thông qua việc phổ cập internet và sự phổ biến của điện thoại thông minh trong thời gian qua, thanh toán không tiền mặt sẽ là một nhu cầu không thể thiếu đối với mọi người dân. Ngày càng có nhiều người lựa chọn kênh mua bán trực tuyến thay vì đi đến tận nơi để mua hàng.
Trong khi đó, ngày càng nhiều các cửa hàng, trung tâm mua sắm, các hãng taxi chấp nhận thanh toán qua thẻ. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể dùng thẻ để thanh toán cho những chi tiêu hàng ngày như điện, nước, internet, hóa đơn, xăng dầu,...
Điều này cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ trở thành một xu hướng tất yếu tại Việt Nam. Nhu cầu sử dụng dịch vụ, sản phẩm thẻ của người tiêu dùng ngày một gia tăng, do vậy, việc phát triển dịch vụ thẻ của ngân hàng được dự báo sẽ rất sôi động trong thời gian tới.
Theo bizlive.vn