Thế giới đang bước vào kỷ nguyên giảm phát
Đăng ngày: 28/3/13Tác giả bài viết này là A. Gary Shilling, cây bút của Bloomberg và đang là Chủ tịch của A. Gary Shilling & Co., một hãng tư vấn hoạt động ở New Jersey, Mỹ.
Trong những năm gần đây, các gói kích thích tài khóa và tiền tệ được thực hiện trên khắp thế giới khiến nhiều người đi đến kết luận trong tương lai các nền kinh tế sẽ đối mặt với lạm phát trầm trọng, nếu không muốn nói là siêu lạm phát. Tuy nhiên, tác giả bài viết này cho rằng giảm phát mới là kịch bản sẽ xảy ra.
Dự đoán giá cả sẽ tăng lên là điều hợp lý. Hầu hết mọi người đều mới chỉ trải qua lạm phát. Thời kỳ giảm phát gần đây nhất là những năm 1930 và đây cũng là thời kỳ nước Mỹ thực sự ở trong hòa bình. Giảm phát là 1 hiện tượng của thời bình.
Trong khi đó, lạm phát ở Mỹ thường xảy ra vào thời chiến, bao gồm cả thời chiến tranh lạnh và cuộc chiến chống lại nghèo đói. Đây là thời kỳ chính quyền liên bang chi tiêu quá đà, cộng với khu vực kinh tế tư nhân bùng nổ. Ở thời điểm hiện nay, các gói kích thích của chính phủ không thể bù đắp sự èo uột của khu vực tư nhân.
Trong suốt 95 năm chiến tranh (kể từ năm 1749), giá hàng hóa tăng trung bình 5,7%. Trong 168 năm hòa bình, mỗi năm giá sụt giảm 1,2%. Ở thời điểm hiện tại, khi Mỹ đã rút quân hỏi Iraq và Afghanistan đồng thời chi tiêu quốc phòng đã giảm xuống, có thể nói chúng ta đang ở trong thời bình.
Mặc dù giảm phát không xảy ra trong thập kỷ vừa qua, lạm phát liên tục giảm kể từ đầu những năm 1980. Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm xuống trong tháng 11 và 12 trong khi không thay đổi trong tháng 1. Trong tháng 2, chỉ số giá tăng 0,7% - tăng lần đầu tiên trong 4 tháng và là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2009. Lạm phát kỳ vọng trong 10 năm tới tiếp tục giảm xuống.
Giải chấp
Ở điều kiện kinh tế thông thường, có thể giảm phát đã xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế toàn cầu đang được dẫn dắt bởi quá trình giải chấp (deleveraging) của khu vực kinh tế tư nhân và các định chế tài chính. Các động thái này thổi phồng tác dụng của các chương trình kích thích kinh tế từ năm 2007. Mặc dù chính phủ đã thực hiện rất nhiều biện pháp, nền kinh tế Anh cũng như Eurozone không thể thoát khỏi suy thoái. Ở Trung Quốc, tăng trưởng GDP thấp nhất trong 13 năm trong khi GDP Mỹ chỉ tăng 0,1% trong quý IV/2012.
Thanh khoản mà các NHTW bơm vào nền kinh tế chẳng thấm vào đâu so với những hệ lụy tiêu cực mà hoạt động giải chấp của khu vực tài chính gây ra. Các ngân hàng xóa bỏ hoặc giảm mạnh các khoản vay trong khi buộc phải tăng vốn để đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe.
Tiết kiệm ngày càng tăng
Tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình đã giảm từ mức 12% trong thời kỳ đầu những năm 1980 xuống còn 1% trong năm 2005, tương đương giảm 0,5 điểm phần trăm mỗi năm.
Tuy nhiên, người Mỹ buộc phải tiết kiệm nhiều hơn. Lí do trước tiên là do TTCK biến động quá mạnh kể từ năm 2000 đến nay, đặc biệt là kể từ năm 2008 - khi họ không còn tin rằng danh mục đầu tư cổ phiếu có thể hỗ trợ cho khoản dành dụm bấy lâu nay. Thêm vào đó, bong bóng nhà đất vỡ tung khiến nhiều người bị tịch biên nhà cửa. Thất nghiệp gia tăng.
Trong những năm tới, tỷ lệ tiết kiệm được dự đoán là sẽ tăng 1 điểm phần trăm mỗi năm. Đi cùng với đó là tỷ lệ tăng trưởng GDP giảm từ mức 3,7% trong giai đoạn 1982 - 2000 xuống còn 2,2%.
Các yếu tố khác
Tỷ lệ sinh ở hầu hết các nước công nghiệp hiện đang ở mức 2,1 trong khi dân số thế giới đang già hóa. Kết quả là, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động giảm xuống, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Hệ thống giáo dục xuống cấp khiến năng suất lao động sụt giảm. Thay vì đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và thiết bị gia tăng năng suất, đầu tư đang tập trung vào chi tiêu tiêu dùng, nhà đất và các tài sản tài chính. Đây là những mục đầu tư không thể giúp gia tăng sản lượng.
Giảm phát ở Mỹ cũng là kết quả của mức chênh lệch khổng lồ giữa tăng trưởng GDP thực và triển vọng tăng trưởng trong dài hạn. Dư thừa nguồn cung là nguồn gốc của giảm phát. Trong khi đó, thu nhập thực của các hộ gia đình sụt giảm khiến sức mua giảm sút. Theo số liệu từ Cục dự trữ liên bang Mỹ, tài sản thực của các hộ gia đình đã giảm tới 39% trong thời kỳ 2007 - 2010.
Chủ nghĩa bảo hộ cũng kìm hãm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. 1 khảo sát mới được thực hiện gần đây cho thấy 75% trong số 3.000 giám đốc doanh nghiệp ở 25 quốc gia muốn chính phủ đạt được các hiệp định tự do hóa thương mại thay vì các hiệp định song phương như hiện nay.
Từ Khóa: TB, KT, Thị Trường, Chi Tiêu, Giá, Lạm Phát, Chính Phủ,