Trong khi tỷ giá VND/USD được NHNN niêm yết 16.954, nhưng ở Hà Trung, tỷ giá ngày 1/7 được các đại lý báo bằng miệng là 18.370-18.400 (mua vào, bán ra), tức cao gấp đôi so với mức trần mà ngân hàng Nhà nước cho phép.
Là một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và nông sản, tức là có ngoại tệ để bán cho ngân hàng, nhưng doanh nghiệp Thái Hòa cho rằng, nếu cứ bán USD cho ngân hàng nhà nước thì doanh nghiệp sẽ chịu lỗ trước tiên.
Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Hòa: “Chúng tôi phải tự tìm cách để bán được USD với giá chấp nhận được. Nếu ngân hàng này không mua thì chúng tôi bán cho ngân hàng khác, Hà Nội không mua thì chúng tôi chuyển vào TP.HCM”.
Ông An cũng cho rằng, nếu cứ tuân thủ theo những qui định của Nhà nước thì cứ một triệu USD tiền xuất khẩu thu về, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ lỗ gần 1 tỷ đồng. Do vậy, ông cũng cho rằng, sự can thiệp của NHNN là cần thiết, nhưng cung cầu về ngoại tệ trên thị trường cũng không thể chối bỏ.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành thì nhận định: Tỷ giá sẽ bình ổn nếu như người dân yên tâm hơn với nền kinh tế. Theo tổng hợp của các cơ quan chức năng, hiện nay số dư tiền gửi bằng ngoại tệ của dân cư và doanh nghiệp ước tính lên tới gần 2 chục tỷ USD. 6 tháng đầu năm, chúng ta mới chỉ nhập siêu khoảng hơn 2 tỷ USD, nhưng nguồn kiều hối 2,7 tỷ đã hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu này.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng lên tới 21 tỷ USD, do vậy nguồn cung USD của Việt Nam khá dồi dào. Vì vậy, nhiều ý kiến đã cho rằng, tình trạng tồn tại 2 tỷ giá là do yếu tố tâm lý và cũng không loại trừ yếu tố đầu cơ.
Công văn của NHNN gửi các tổ chức tài chính tín dụng ngày 1/7 có nhắc đến việc sẽ kiên quyết xử lý theo pháp luật nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Ý kiến của nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cùng với những biện pháp quản lý, thì việc bán USD ra để bình ổn thị trường cũng là phương án nên được cân nhắc.