Toạ đàm Thanh tra và đánh giá rủi ro thị trường
Đăng ngày: 20/7/11Trong ba ngày 13 – 15/7/2011, tại Hà Nội, trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực thanh tra, giám sát ngân hàng do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với JICA tổ chức toạ đàm với chủ đề Thanh tra rủi ro thị trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Đình Thắng – Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng khẳng định: Nâng cao năng lực quản lý rủi ro, nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn cho hoạt động của các TCTD và hệ thống ngân hàng luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHNN. Thời gian qua, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực thanh tra, giám sát ngân hàng”, các chuyên gia tư vấn của JICA đã tích cực phối hợp, hỗ trợ, cung cấp những kiến thức, kỹ năng liên quan đến thanh tra, giám sát giúp cho việc nâng cao năng lực quản lý của NHNN cũng như an toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng.
Tại Hội thảo, với tư cách là diễn giả chính, bà Sakamaki Tsuziri – Chuyên gia tư vấn JICA đã trình bày tổng quan về rủi ro thị trường: Định nghĩa và loại hình. Theo bà, rủi ro thị trường có nghĩa là rủi ro của những thay đổi theo giá trị thị trường của một công cụ hay danh mục đầu tư các công cụ tài chính, liên quan đến những thay đổi ngoài dự kiến trong điều kiện thị trường (giá cổ phiếu, lãi suất, tỷ giá và tính biến động của các biến số này); do đó nó bao gồm các rủi ro về trạng thái tiền tệ, trái phiếu và cổ phiếu cũng như trong tất các tài sản Có và tài sản Nợ tài chính khác được một ngân hàng kinh doanh. Nhìn chung, rủi ro thị trường chỉ được xác định (bởi các cơ quan quản lý) như là các rủi ro vốn có trong các danh mục đầu tư kinh doanh – nghĩa là tập hợp các trạng thái được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn hoặc rất ngắn với ý định thu được lợi nhuận từ những thay đổi trong giá thị trường. Tuy nhiên trong thực tế, ngân hàng quan tâm đến tất cả tài sản Có/ tài sản Nợ tài chính nắm giữ, bao gồm những tài sản được mua với mục đích đầu tư, và có ý định được giữ trong các báo cáo tài chính trong một khoảng thời gian dài. Đồng thời, chuyên gia Sakamaki Tsuziri cũng nhắc lại các cách tiếp cận truyền thống trong quản lý, đo lường rủi ro thị trường là dựa vào giá trị danh nghĩa của các trạng thái riêng lẻ và đưa ra cách tiếp cận hiện đại dựa trên các mô hình “Giá trị chịu rủi ro (VaR)”.
Trong nội dung tiếp theo, chuyên gia Sakamaki Tsuziri đưa ra một số vấn đề liên quan đến độ nhạy cảm của các trạng thái danh mục đối với các yếu tố thị trường. Chuyên gia cũng hướng dẫn chi tiết những công cụ tính toán các mức độ rủi ro thị trường gồm: Cách tiếp cận phương sai - hiệp phương sai, cách tiếp cận mô phỏng quá khứ và cách tiếp cận Monte Carlo. Trong phần trình bày của mình, chuyên gia Sakamaki Tsuziri cũng đưa ra các ví dụ minh hoạ cụ thể liên quan đến các vấn đề: Quy chiếu các trái phiếu ngoại tệ; Quy chiếu trạng thái cổ phiếu; Tính toán các trạng thái có kỳ hạn (cụ thể là việc mua hoặc bán ngoại tệ có kỳ hạn, tương đương với việc nắm giữ đồng thời ba trạng thái khác nhau (các cấu phần cơ bản) nhạy cảm với ba yếu tố thị trường khác nhau: Tỷ giá và lãi suất giao ngay của hai loại tiền tham gia vào giao dịch kỳ hạn).
Chuyên gia Sakamaki Tsuziri giới thiệu hệ số bêta của một cổ phiếu: Là một chỉ số của mức độ rủi ro có hệ thống của phần biến động lợi nhuận của cổ phiếu, có thể được giải thích bằng sự phụ thuộc của lợi nhuận của nó trên lợi nhuận của toàn bộ thị trường. Trên thực tế, tính biến động lợi nhuận của một chứng khoán có thể được chia thành hai cấu phần: (i) rủi ro riêng hoặc rủi ro định tính, mà có thể được loại trừ thông qua chính sách đa dạng hoá danh mục đầu tư thích hợp; (ii) rủi ro chung hoặc rủi ro có hệ thống, phụ thuộc vào các yếu tố chung cho các chứng khoán khác, do vậy không thể loại trừ. Ngoài ra, bà Sakamaki Tsuziri cũng tập trung vào một số chủ đề liên quan đến các hợp đồng quyền chọn, là những hợp đồng được đặc trưng bởi mức độ linh hoạt và mềm dẻo nhất trong số các loại hình công cụ phái sinh; Giới thiệu và phân tích cách thức để ước tính độ biến động lợi nhuận của yếu tố thị trường và hệ số tương quan sẽ được sử dụng trong cách tiếp cận phương sai - hiệp phương sai (các mô hình ước lượng độ biến động: Đường trung bình đơn giản và đường trung bình luỹ thừa).
Các đại biểu tham dự Toạ đàm đã đặt ra nhiều câu hỏi và được chuyên gia Sakamaki Tsuziri chia sẻ những kinh nghiệm nghiên cứu và thực tiễn quý báu liên quan đến việc thanh tra và đánh giá rủi ro ngân hàng. Đây thực sự là những kiến thức quan trọng giúp NHNN và các TCTD có thêm những định hướng mới cho hoạt động trong thời gian tới, cùng hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn hoạt động cho các TCTD và hệ thống ngân hàng trong điều kiện hội nhập.
SN