Tới hạn với doanh nghiệp và cả ngân hàng
Đăng ngày: 23/4/12Nhiều ngân hàng công bố hạ lãi suất cho vay, hé ra ánh sáng cuối đường hầm suy thoái cho doanh nghiệp và cả ngân hàng ở thời điểm đã tới hạn chịu đựng.

Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An, nóng dư luận 2 tháng nay về nợ nần, có nguyên nhân trả lãi tiền vay tăng đột ngột. Theo báo cáo của Công ty gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 6-4, năm hoạt động đầu tiên 2006 trả lãi tiền vay gần 1,3 tỷ đồng; năm 2007 hơn 18 tỷ đồng. Từ năm 2008 đến năm 2010, vay thêm vốn xây dựng các nhà máy sản xuất phụ phẩm, nhà máy giá trị gia tăng, viện nghiên cứu thủy sản và mở chi nhánh ở Mỹ, tiền trả lãi năm 2008 tăng lên gần 65 tỷ đồng và hai năm tiếp theo xoay quanh đó, năm 2009 hơn 60 tỷ, năm 2010 gần 78 tỷ. Nhưng sang năm 2011, lãi suất vay tăng gấp nhiều lần, nên dù các ngân hàng đã rút 500 tỷ đồng vốn, Công ty vẫn phải trả lãi gần 152 tỷ đồng. Công ty cầm cự được đến cuối năm 2011 thì khủng hoảng nợ xảy ra.
Sở KH-ĐT TP Cần Thơ cho biết, quý 1-2012, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều suy thoái. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 1,9%; vận tải hàng hóa tăng 0,7%; trong lúc lạm phát cuối tháng 3 tăng 14,15% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh, kim ngạch xuất khẩu giảm 4,2%; thu xổ số kiến thiết cũng giảm đến 26,1%; nên thu ngân sách giảm 13,1%.
Tỉnh Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất ĐBSCL, vì thiếu vốn nên đến cuối tháng 3, mới thả nuôi khoảng 33% so với cùng kỳ năm trước. Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu Nguyễn Chí Công cho biết chỉ khoảng 50% số hộ nuôi tôm có khả năng thả nuôi vụ mới. Phó chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh Võ Quang Huy than thở “thiếu vốn và dịch bệnh làm người nuôi tôm rất lúng túng”. Tại huyện Trần Đề, người dân đã san ủi hơn 20 ha nuôi tôm để trồng lúa.
Vùng gốm truyền thống ĐBSCL ở huyện Măng Thít (Vĩnh Long), Phó chủ tịch UBND huyện Trương Thành Phi cho biết, 60% lò gốm đã ngừng hoạt động vì đầu vào tăng mà sản phẩm không tiêu thụ được. GĐ Sở KH-ĐT tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung cho biết thêm, nhiều ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh cũng giảm mạnh như sản xuất thuốc chữa bệnh viên nang, chế biến thức ăn thủy sản, đóng tàu thuyền và sà lan.
Nợ thuế, nợ xấu
Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long cho biết, nợ thuế của các doanh nghiệp tăng 22% so cùng kỳ năm trước, với số tiền nợ 242 tỷ đồng, trong đó hơn 1/5 khó đòi. Có 148 doanh nghiệp nợ thuế nhưng không còn tài sản để cưỡng chế và cũng chưa muốn giải thể nên nợ thuế còn tiếp tục kéo dài. Riêng huyện Măng Thít nợ thuế xấp xỉ 40 tỷ đồng, khoảng 15% không có khả năng thu vì doanh nghiệp đã thua lỗ. Mấy tháng đầu năm nay, tỉnh Vĩnh Long có 26% doanh nghiệp chờ giải thể, ngừng hoạt động hoặc “biến mất”.
Lãi suất tiền vay cao, đẩy sản xuất và kinh doanh vào cảnh suy thoái, ảnh hưởng xấu cũng đã đến lúc tác động trở lại chính ngân hàng. GĐ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trọng Nghiệp cho biết, tỷ lệ nợ xấu tăng cao trong thời gian gần đây, nay đã chiếm 9,96% tổng dư nợ, tăng 1,3% so với đầu năm và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một chi nhánh ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu đến 41,15%, gấp hơn 10 lần mức an toàn quy định của Ngân hàng Nhà nước.
“Cũng may, tỷ lệ nợ xấu ở đa số ngân hàng vẫn dưới 3%, còn an toàn”, một chuyên gia ngân hàng nói. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất tiền vay đã đến lúc không thể không làm, và sau các tuyên bố, đang cần những hành động cụ thể.
Theo Sáu Nghệ