UBTVQH cho ý kiến dự án Luật Việc làm
Đăng ngày: 24/4/13Sáng 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Việc làm trước khi trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp sắp tới.
Các đại biểu cho rằng việc ban hành Luật Việc làm là cần thiết nhằm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020.
Đa số các đại biểu thống nhất phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam trong nước từ đủ 15 tuổi trở lên, đang có việc làm hoặc chưa có việc làm nhưng có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.
Đồng thời, các đại biểu cũng bày tỏ sự thống nhất cao với việc quy định về: Tín dụng vay vốn tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; chương trình việc làm công và hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển, với đặc điểm là đất nước thu nhập trung bình và trong thời kỳ dân số vàng, mỗi năm có hơn 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động đang cao hơn tỷ lệ phụ thuộc là những điều kiện thuận lợi của Việt Nam so với các nước. Tuy nhiên, để nâng cao tính khả thi và hiệu quả trong tổ chức thực hiện các chính sách này, cơ quan soạn thảo cần có đánh giá đầy đủ tác động kinh tế-xã hội của các chính sách này. Trên cơ sở đó, tiếp tục làm rõ điều kiện và nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm.
Bên cạnh đó, một số vấn đề về thông tin thị trường lao động, cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức dịch vụ việc làm, vấn đề bảo hiểm thất nghiệp đã được các đại biểu tập trung cho ý kiến. Trong đó đáng chú ý là chính sách bảo hiểm thất nghiệp được đề cập trong dự thảo Luật này mới hơn so với quy định trong Luật Bảo hiểm Xã hội, cụ thể: bổ sung chế độ hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động nhằm thực hiện chính sách phòng rủi ro cho người lao động; mở rộng thêm phạm vi áp dụng cho đối tượng là người lao động không có quan hệ lao động.
Góp ý cho dự thảo, Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cần thiết nhằm đạt mục tiêu về an sinh xã hội, vì hiện cả nước có khoảng 2/3 lực lượng lao động không có quan hệ lao động. Do vậy, cần có những biện pháp để thu hút số lao động này tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển.
Tuy nhiên, Ủy ban Các vấn đề Xã hội cũng lưu ý, việc mở rộng và quản lý các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với khu vực không có quan hệ lao động là khá phức tạp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp dễ bị lạm dụng do những khó khăn trong việc xác định tình trạng thất nghiệp, công tác thu-chi, khả năng quản lý đối tượng hạn chế nên rất ít quốc gia thực hiện.
Từ Khóa: TB, Thị Trường, Tài Chính, Ngân Sách, Việt Nam, VN, Việc Làm,