VN lập kỷ lục nhập khẩu ô tô:Tăng gấp đôi năm 2013
Đăng ngày: 12/25/2014Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc năm 2014 đã tiến rất sát mốc kỷ lục 1,5 tỷ USD.
1,5 tỷ USD cho giá trị kim ngạch nhập khẩu
Tính đến hết ngày 15/12/2014 đã có tổng cộng 66.025 ôtô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu về nước, đạt giá trị kim ngạch 1,446 tỷ USD. Qua đó, điểm mốc 1,5 tỷ USD giá trị kim ngạch của cho cả năm 2014 được dự báo mới đây hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Trước đó, 11 tháng năm 2014 được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ước tính là 1,292 tỷ USD với lượng xe nhập khẩu đạt 60.000 chiếc. Tuy nhiên, số liệu do ngành hải quan cập nhật sau đó đã vượt khá xa con số nêu trên, cụ thể là 61.595 chiếc về lượng và xấp xỉ 1,345 tỷ USD về giá trị.
Hơn thế, dù giá trị kim ngạch có cán mốc 1,5 tỷ USD hay không thì 2014 cũng được xem là năm kỷ lục của ôtô nhập khẩu. Chỉ tính đến thời điểm hiện tại, khi số liệu đầy đủ của cả năm chưa được tập hợp, thì kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU cũng đã cao gấp đôi năm ngoái xét cả về lượng lẫn giá trị.
Không chỉ đứng đầu về giá trị nhập khẩu, xe nhập khẩu từ ô tô có giá khá cao với mức gần 40.000 USD, đứng sau Nga, Mỹ.
Nguyên nhân giá trị nhập trung bình xe Trung Quốc lọt vào top cao là loại xe nhập khẩu. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu xe tải từ thị trường này. Theo số liệu 6 tháng đầu năm của Tổng cục Hải quan, lượng xe tải nhập từ Trung Quốc đạt hơn 4.600 xe, gần gấp đôi mức 2.000 xe của cùng kỳ năm 2013.
Giá trị nhập khẩu thậm chí tăng gần gấp 3, từ 69 triệu USD 185 triệu USD. Sở dĩ xe tải Trung Quốc được tiêu thụ tốt do giá thành rẻ hơn xe cùng loại của Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cụ thể, giá trị nhập khẩu trung bình trên mỗi chiếc xe từ Hàn Quốc vào khoảng 15.500 USD, chỉ sau Indonesia là gần 10.000 USD, Ấn Độ là hơn 4.300 USD, trong khi giá trị nhập khẩu trung bình từ Thái Lan là hơn 16.600 USD, Nhật Bản là 31.700 USD.

Nhập khẩu ô tô đạt kỷ lục 1,5 tỷ USD
Cũng theo số liệu mới công bố của Hiệp hội ô tô Việt Nam, sản lượng xe lắp ráp và nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam 7 tháng đầu đều tăng tương ứng 24% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng vượt trội, việc kinh doanh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đang ngày càng phát triển và lấn lướt hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô của doanh nghiệp nội địa.
Chiến lược phát triển ngành ô tô còn rất lúng túng
Trong khi đó, đánh giá về chiến lược phát triển ngành ô tô VN, TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang gặp phải vấn đề lựa chọn chiến lược phát triển không phù hợp. Chiến lược phát triển ngành này phải dựa vào 2 yếu tố cơ bản là quy mô kinh tế và liên kết. Tuy nhiên, ở Việt Nam có thể nói là chưa thành công”.
Theo TS Thành phân tích, về cơ bản, Việt Nam phát triển ngành công nghiệp ô tô nhưng dựa vào bảo hộ. Nếu chúng ta bắt đầu từ con số tạm gọi là “zero” thì chi phí để xử lý nó là tương đối thấp, nhưng tích tụ càng nhiều năm thì chi phí điều chỉnh chiến lược, chi phí điều chỉnh phát triển lại cao hơn rất nhiều.
Chính điều này đã phản ánh phần nào sự lung túng nhất định của Việt Nam trong quá trình xây dựng, mở cửa thị trường, lập hàng rào bảo hộ hay nói một cách rộng rãi hơn là tự do hóa thương mại. Đây cũng là bài học tương đối đắt giá cho quá trình phát triển chưa hiệu quả của ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam
Đồng tình quan điểm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại cũng chia sẻ: "Mặc dù ô tô là sản phẩm cạnh tranh, lợi nhuận cao, lợi thế thị trường đa dạng nhu cầu về các chủng loại xe, ngành ô tô Việt Nam vẫn chưa tạo ra được một sức cạnh tranh nào mới ở mặt hàng này. Không những thế, là nước đi sau hàng chục đến hàng trăm năm, nhưng khi bắt tay xây dựng ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam lại có quan điểm tự sản xuất được chiếc xe hoàn chỉnh của người Việt".
Ông Trương Đình Tuyển phân tích: “Nếu chúng ta muốn phát triển ngành ô tô thì công cụ duy nhất không phải là bảo hộ thuế. Bởi vì đầu tư nước ngoài đến Việt Nam là đến nơi chi phí sản xuất thấp, chứ không phải đến nơi có hàng rào bảo hộ cao. Cho nên, Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô, phải tìm cách để chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam thấp nhất, chứ không phải chúng ta dâng bạt bảo hộ”.
Dưới góc nhìn của người từng nhiều năm đứng đầu Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển nhận thấy chiến lược công nghiệp ô tô còn rất lúng túng. Ông giải thích: Bản thân chính sách bảo hộ ô tô của chúng ta cũng đang bị giằng xé giữa hai yêu cầu: Vừa muốn phát triển ô tô nhưng lại hạn chế ô tô vì hạ tầng giao thông thấp kém.
“Đây là một tư duy ngắn hạn, chúng ta giải quyết phần ngọn mà không phải từ gốc. Đáng lẽ ta giảm bớt đầu tư vào những nơi không hiệu quả và tập trung giải quyết hạ tầng đô thị sớm hơn, từ cách đây 10 năm, thì tình hình có thể khác. Nhưng tiếc là Nhà nước đã rót tiền vào lo làm sân bay, cảng biển… thậm chí đến nay tình trạng này chưa hết”, ông Tuyển nói.
DN nội địa chỉ... xin cơ chế
Trong khi, sau gần 20 năm vừa được hưởng chính sách ưu đãi chung của ngành, nhưng số lượng xe nhập khẩu vẫn tăng lên từng năm. Mà một số doanh nghiệp lớn cũng đã trực tiếp “xin” thêm các cơ chế ưu đãi cho mình.
Cụ thể, hồi giữa tháng 11/2014, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam kiến nghị giữ trần các mức thuế suất thuế xe nhập khẩu xe nguyên chiếc theo các cam kết hiệp định thương mại FTA, nhất là với các cường quốc công nghiệp ôtô như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Giảm dần thuế suất theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN xuống đến mức 30% vào năm 2017 trước khi về 0% vào năm 2018; bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe bus 16-24 chỗ ngồi; miễn trừ thuế đất cho các doanh nghiệp sản xuất xe tải, xe bus; giảm lệ phí trước bạ xuống mức 5-7%; ưu đãi cho vay dài hạn (15-20 năm) với lãi suất từ 0-3% cho đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ hoặc bù 100% lãi suất trong 5 năm đầu.
Với lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc ngày càng lớn, sẽ tiếp tục là trở ngại lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Theo đại diện của một nhà sản xuất ô tô trong nước, hiện với mức giá và thuế xuất nhập khẩu ô tô thì tương lai Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô nhập khẩu lớn của thế giới và ngành ô tô trong nước sẽ ngày càng lạc hậu do không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.